Chính thức ban hành quy định về dạy thêm, học thêm
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định chi tiết về dạy thêm, học thêm. Thông tư này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương và đảm bảo tính đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên mới.
Thông tư được xây dựng trên ba quan điểm chính. Thứ nhất, hoạt động dạy thêm, học thêm cần được quản lý chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thứ hai, việc dạy thêm, học thêm không được ảnh hưởng đến việc tổ chức chương trình giáo dục chính khóa tại nhà trường. Thứ ba, phải bảo đảm lợi ích của học sinh, tránh tình trạng ép buộc học sinh tham gia học thêm khi không có nhu cầu.
Trong quá trình xây dựng Thông tư, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo, tổng hợp ý kiến từ 63 Sở GD&ĐT, các hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Dự thảo Thông tư đã được đăng tải công khai để lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu đầy đủ các góp ý trước khi chính thức ban hành.
Thông tư quy định rõ các trường hợp không được tổ chức dạy thêm. Học sinh tiểu học không được tổ chức học thêm, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao hoặc rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên đang dạy tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh mình đang giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên trường công lập không được quản lý hoặc điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia giảng dạy ngoài nhà trường.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư giới hạn đối tượng tham gia gồm: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi. Việc dạy thêm trong nhà trường không thu tiền học sinh và thuộc trách nhiệm của nhà trường trong kế hoạch giáo dục.
Với những đối tượng học sinh học thêm như trên, Thông tư mới chỉ quy định giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.
Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm: các đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của học sinh.
Thông tư cũng quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu. Cụ thể, lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; mỗi môn học thêm không quá 2 tiết/tuần (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thông tư cũng quy định chặt chẽ về dạy thêm ngoài nhà trường. Các tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về môn học, thời lượng, địa điểm, thời gian và mức thu tiền học thêm. Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Quy định mới nhằm tăng cường trách nhiệm của các nhà trường, giáo viên và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của học sinh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực.