Chính thức chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng GPBank, Dong A Bank
Sáng nay (17/1), ngân hàng 0 đồng GPBank và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt DongA Bank chính thức được chuyển giao cho VPBank và HDBank.
Tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á ( Dong A Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank).
Tham dự có ông Lê Quang Mạnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng, các phó thống đốc, lãnh đạo các đơn vị và đại diện lãnh đạo các ngân hàng VPBank, HDBank, GPBank, DongA Bank.
Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để chỉ đạo các ngân hàng xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do VPBank và HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là công việc rất khó, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, đòi hỏi phải có thời gian, sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan bộ ngành. Bên cạnh đó, sự tiếp nối tái cơ cấu các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn.
Dù vậy, ngành ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành, là điểm tựa quan trọng để Ngân hàng Nhà nước thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xác định việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém là trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, điều hành, các vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước rất trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ này. Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm qua nên Thống đốc cho rằng, việc tái cơ cấu các ngân hàng sẽ diễn ra thuận lợi.
Ngân hàng Nhà nước xác định việc tái cơ cấu và quản trị của ngân hàng ngày càng phải nâng cao hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã nhìn nhận nhiều kinh nghiệm để thể chế hóa trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, tăng cường công tác thanh tra giám sát ngân hàng, có nhiều chuyên đề để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Với đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kế hoạch, có lộ trình rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị. Thống đốc đề nghị các đơn vị tiếp tục thể hiện trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ này.
Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chia sẻ của các ban, bộ, ngành trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung.
Trước đó, giữa tháng 10/2024, 2 ngân hàng thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt là CBBank và OceanBank đã lần lượt được chuyển giao bắt buộc về 2 ngân hàng Vietcombank và MB.
Còn theo thông báo từ MB, từ tháng 12/2024, OceanBank đổi tên thành MBV và có chủ tịch, tổng giám đốc mới đều là nhân sự của MB.
Ngoài 4 ngân hàng kể trên, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định của SCB, bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Nhà điều hành cũng đang xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.