Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5%

Sự chuyển hướng sang chính sách kích thích và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ trong quí cuối năm giúp Bắc Kinh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024.

Khách hàng đi mua sắm trong một siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Giới chức trách Trung Quốc xem thúc đẩy tiêu dùng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Ảnh: China Daily

Khách hàng đi mua sắm trong một siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Giới chức trách Trung Quốc xem thúc đẩy tiêu dùng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Ảnh: China Daily

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 17-1, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5% trong năm 2024, vừa đủ hoàn thành mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra.

Kinh tế Trung Quốc trong quí cuối năm tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đó là tốc độ nhanh nhất trong 6 quí và tốt hơn dự báo trung bình của các nhà kinh tế là 5%. Sự phục hồi rõ rệt hơn nếu xét trên cơ sở so sáng hàng quí, với mức tăng trưởng quí cuối năm so với quí 3 đạt 1,6%, mức cao nhất kể từ tháng 3-2023. Theo NBS, cú bứt tốc về tăng trưởng trong quí cuối năm giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục gần 1.000 tỉ đô la Mỹ năm ngoái nhờ xuất khẩu tăng vọt trong khi nhập khẩu suy yếu. NBS cho biết trong một tuyên bố, nền kinh tế tiến triển ổn định trong năm 2024.

“Nhưng chúng ta cũng cần thấy rằng, tác động tiêu cực từ môi trường đang thay đổi ở bên ngoài ngày càng sâu sắc, nhu cầu trong nước không đủ và một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh”, NBS lưu ý.

Theo tính toán của Bloomberg, tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc, chưa điều chỉnh theo giá cả giảm trên toàn nền kinh tế, tăng 4,2% vào năm 2024. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020 và cũng phản ánh tác động của tình trạng giảm phát dai dẳng, đã kéo dài trong năm thứ hai liên tiếp.

“Điểm sáng nhất của kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái là xuất khẩu đặc biệt mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa là vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc trong năm nay sẽ là thuế quan sắp tới của Mỹ”, Jacqueline Rong, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của ngân hàng BNP Paribas bình luận.

Thành tích gần như hoàn hảo của Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng thường bị nghi ngờ. Tuy nhiên, tập hợp dữ liệu rộng lớn cũng cho thấy sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh, tập trung vào các biện pháp kích thích, kể từ cuối tháng 9 năm ngoái đã giúp bù đắp những trở ngại từ cơn suy thoái bất động sản kéo dài nhiều năm và tình trạng giảm phát dai dẳng.

Trong tháng 12, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4.

Trong khi đó, lĩnh vực nhà ở vẫn ảm đạm, với đầu tư bất động sản suy giảm 10,6% trong năm 2024, mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 1987.

Bức tranh về nhu cầu trong nước phức tạp hơn. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 8 và doanh số bán bất động sản tiếp tục giảm, thì tiêu dùng có dấu thiện, đặc biệt ở danh mục hàng hóa nằm trong chương trình kích cầu.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong quí cuối năm tăng 3,8%. Đó là quí tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2024 sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh chương trình trợ cấp mua đồ gia dụng, ô tô và thiết bị kinh doanh. Chương trình này giúp doanh số bán hàng gia dụng trong năm ngoái tăng lên 12,3%, mức cao nhất kể từ năm 2013.

“Các đơn hàng xuất khẩu được giao sớm (để né thuế quan sắp tới của Mỹ) chắc chắn giúp ích, nhưng sự cải thiện không chỉ diễn ra ở xuất khẩu mà còn ở tiêu dùng, phần lớn là nhờ kết quả của chính sách trợ cấp mua hàng”, Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc của Macquarie Group nói.

Nhóm nhà kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley ước tính, khoảng 60% mức tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc là nhờ chính sách thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư sản xuất của Trung Quốc.

Giới chức trách Trung Quốc cam kết sẽ mở rộng chương trình trợ cấp để đổi hàng gia dụng cũ lấy mới trong năm nay khi nhiệm vụ thúc đẩy tiêu dùng trở thành ưu tiên hàng đầu.

Vấn đề hỗ trợ nhu cầu trong nước sẽ trở nên cấp thiết trong trường hợp thuế quan cao hơn của Mỹ trong thời gian tới ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu.

Chỉ số giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn yếu gần sát mức zero, trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 27 liên tiếp trong tháng cuối năm.

“Sự thay đổi lập trường chính sách vào tháng 9 năm ngoái đã giúp nền kinh tế Trung Quốc ổn định trong quí 4, nhưng cần có chính sách kích thích lớn và liên tục để thúc đẩy động lực kinh tế và duy trì sự phục hồi”. Zhiwei Zhang, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management viết trong một báo cáo.

Bắc Kinh dự kiến công bố mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2025 và các biện pháp kích thích bổ sung tại các kỳ họp quốc hội thường niên vào tháng 3. Các nhà kinh tế dự báo, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2025 ở mức khoảng 5% hoặc có thể thấp hơn một chút.

Theo Bloomberg, CNBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-5/