Chính thức: Người làm công tác xây dựng pháp luật được hỗ trợ 100% lương hệ số từ 1-7
Người trực tiếp làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng.
Với 416/443 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87.03 %), sáng nay 17-5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Theo Nghị quyết, nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt gồm: Nghiên cứu chiến lược, chính sách để xây dựng quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng về xây dựng pháp luật tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật quốc tế; Giải quyết tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý khác phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Đối thoại, giải quyết phản ánh, kiến nghị khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương.
Đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; thu hút, trọng dụng nhân tài, sử dụng chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, Nghị quyết quy định bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, bao gồm:
Chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động; Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật; Bảo đảm vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật;
Chi hỗ trợ giám sát thi hành pháp luật; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc hiện đại phục vụ công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Kết quả biểu quyết
Đặc biệt, Nghị quyết còn quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp), bao gồm:
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách;
Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.
Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ;
Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định; Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định…
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1-7-2025.