Chính trị gia Ấn Độ: Chính sách đối ngoại chủ động của Việt Nam giúp định hình tương lai đất nước
Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh 5 vấn đề ưu tiên của đối ngoại Việt Nam, trong đó có tiếp tục nâng tầm ngoại giao đa phương, phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cho thấy cam kết quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường sự tham gia toàn cầu.
Đây là nhận định được Tổng Thư ký đảng Khối Tiến lên toàn Ấn Độ (AIFB) G. Devarajan đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi.
Theo ông Devarajan, những ưu tiên do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra phù hợp chặt chẽ với lợi ích quốc gia lâu dài của Việt Nam. Tăng cường ngoại giao đa phương và phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng quốc tế sẽ nâng cao triển vọng kinh tế của Việt Nam thông qua thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường quan hệ đối tác thương mại và tiếp cận các thị trường mới.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh việc tăng cường ngoại giao đa phương và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thể hiện cách tiếp cận có tư duy tiến bộ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bằng cách ưu tiên tham gia đa phương, Việt Nam có thể nâng cao vị thế toàn cầu, bảo vệ lợi ích quốc gia và góp phần ổn định khu vực.
Cách tiếp cận trên không chỉ nâng cao ảnh hưởng của Việt Nam mà còn cho phép nước này bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong khuôn khổ hợp tác. Tăng cường ngoại giao đa phương cũng mang lại cho Việt Nam nền tảng để phát huy các giá trị của mình, bao gồm tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.
Tổng Thư ký AIFB cho rằng việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi Việt Nam trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế phản ánh tầm nhìn rộng hơn về vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Quan điểm này nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và đóng góp vào quản trị toàn cầu.
Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức do động lực địa chính trị đặt ra sẽ đòi hỏi chính sách ngoại giao thận trọng và cam kết hành động tập thể. Ông Devarajan nhấn mạnh chính sách đối ngoại chủ động của Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của nước này với tư cách là một quốc gia có sức ảnh hưởng và kiên cường trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Tổng Thư ký AIFB cũng đánh giá cao việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Theo ông, những nỗ lực chống tham nhũng đang diễn ra sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của Việt Nam, góp phần xây dựng một xã hội minh bạch, có trách nhiệm và công bằng hơn.
Cuối cùng, ông Devarajan tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể vượt qua mọi thử thách, phát triển toàn diện, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được quốc tế ca ngợi và thúc đẩy quan hệ bền chặt hơn với các quốc gia khác và các chính đảng có cùng chí hướng.