Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Thị trường lao động & tính chất tự cân bằng

TTH - Cách đây chừng 1 tháng, khi dòng người nối dài rời khỏi các tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía nam về lại quê khắp cả nước, chúng ta lo lắng về thị trường lao động khi mở cửa sẽ thiếu nguồn lao động trầm trọng. Nhưng thực tế diễn ra không đến nỗi quá bi quan như chúng ta hình dung.

Như ở TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các khu Chế xuất (KCX), khu Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đã có đến 96% các doanh nghiệp (DN) trong các khu này đã hoạt động trở lại. Người lao động trở lại làm việc đạt 80%, tương ứng hơn 230.500 người, trong đó có nhiều DN người lao động trở lại làm việc 100% (số liệu tính đến ngày 11/11).

Có cảm giác như các doanh nghiệp đã bật dậy ngay ngay sau khi mở cửa!

Không hiểu bằng cách nào mà các DN giữ chân lao động “giỏi vậy”, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân là 96% DN của khu vực này ở TP. Hồ Chí Minh chưa xảy ra dịch bệnh. Các DN vẫn tìm nhiều cách để duy trì hoạt động mà không đóng cửa.

Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt May Huế. Ảnh minh họa: Q.T

Ở Thừa Thiên Huế, hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành dệt may đã không bị ảnh hưởng mà còn có vẻ như được hưởng lợi. Nhiều DN trong ngành này cho biết đã “hứng” được một số đơn hàng do các nhà máy phía nam ảnh hưởng do dịch bệnh nên sản lượng không giảm mà còn tăng. Bằng chứng là 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc vẫn tăng 13% so với cùng kỳ, con số tuyệt đối gần 368 triệu USD, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh 9 tháng đầu năm 2021 đạt 840,3 triệu USD, tăng 32,2%. Sản lượng tăng đã tạo ra điều kiện người lao động không những không mất việc làm, mà còn tăng được thu nhập.

Không chỉ ở Thừa Thiên Huế hay TP. Hồ Chí Minh, mà các đơn vị làm hàng xuất khẩu trên cả nước cũng không bị ảnh hưởng nhiều, tức là người lao động trong các DN vẫn đảm bảo việc làm ổn định. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng đến 22,6% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 99,54 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức thặng dư.

Vậy, dòng người “nối nhau” rời khỏi các tỉnh trọng điểm kinh tế ở phía nam họ làm những công việc gì trong thời gian ở lại những thành phố năng động này? Rất có thể là làm các ngành nghề tự do là chủ yếu. Trong đó không loại trừ 20% mà các DN TP. Hồ Chí Minh đang thiếu hụt chưa phục hồi được. Nhìn dưới khía cạnh thị trường lao động, trừ lĩnh vực dịch vụ du lịch (tình hình chung của cả nước chứ không riêng gì Thừa Thiên Huế) bị ảnh hưởng, chúng ta thấy thị trường lao động ở Huế nhìn chung vẫn ổn định!

Đến đây thì chúng ta thấy, nói gì thì nói lao động ở khu vực chính thức vẫn là sự lựa chọn của nhiều người và cũng chính là sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Những người làm việc trong khu vực DN có nhiều lưới bảo vệ nhiều hơn để đảm bảo thu nhập, môi trường và đời sống của người lao động, cũng là chính sự đảm bảo tồn tại cho DN và cho nền kinh tế. Bởi chính yếu tố này nên DN rất nhanh chóng cân bằng nhu cầu lao động mà các DN hoạt động trong các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh như vừa nêu là một ví dụ.

Ở Việt Nam, lao động của khu vực phi chính thức còn rất lớn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có đến 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động. Ưu điểm của khu vực kinh doanh cá thể là giải quyết một lượng lớn lao động, nhưng đồng thời cũng có nhược điểm lớn là người lao động có thu nhập thấp, hầu như không có lưới bảo vệ cho an sinh và là một thị trường lao động đầy biến động. Nếu DN ra đời ngày càng nhiều, sẽ hút một lượng lớn lao động ở khu vực này vào thì thị trường lao động sẽ chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Một khi lao động ở khu vực tự do khan hiếm hơn, nó cũng có điều kiện để điều chỉnh giá nhân công hơn.

NGUYỄN AN BÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thi-truong-lao-dong-tinh-chat-tu-can-bang-a107198.html