Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Không để thiệt hại lớn do thiên tai

Các bộ, ngành hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong hoạt động phòng chống thiên tai (PCTT); huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản...

Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết công tác PCTT năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức sáng 20/6.

Người dân huyện Phong Điền gia cố đê bao

Người dân huyện Phong Điền gia cố đê bao

Những tồn tại, bất cập

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Cường đánh giá, năng lực, chuyên môn của cán bộ làm công tác PCTT còn hạn chế, thiếu công cụ hỗ trợ, các điều kiện bảo đảm thực thi nhiệm vụ. Việc huy động nguồn lực, tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm, nhất là quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ từ dự phòng ngân sách của Trung ương. Một số địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn lúng túng, chưa đúng mục đích, hiệu quả chưa cao.

Cơ chế, chính sách trong xã hội hóa công tác PCTT còn hạn chế, chưa thu hút sự tham gia tích cực của khối tư nhân vào hoạt động PCTT. Việc ban hành chính sách về bảo hiểm rủi ro thiên tai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ứng dụng khoa học công nghệ trong PCTT còn hạn chế, chưa có trung tâm điều hành ứng phó thiên tai chuyên nghiệp, ngang tầm các nước trong khu vực.

Nguồn lực đầu tư cho công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai đã được cải thiện song so với yêu cầu thực tiễn còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung cho khắc phục khẩn cấp, ngắn hạn. Sạt lở ven sông, ven biển diễn biến phức tạp, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung.

Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, còn thiếu những quy định cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó trong các tình huống khẩn cấp. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa được tổ chức thường xuyên, bài bản, thiếu kịp thời, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khách du lịch...

“Hiến kế” ứng phó thiên tai

Đại diện Ban Chỉ huy PCTT- Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, các đơn vị quản lý hồ đập tại khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thông báo kịp thời kế hoạch xả lũ đối với khu vực hạ lưu có đường bộ, đường sắt đi qua theo quy định để có kế hoạch ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Cơ quan khí tượng thủy văn cần có dự báo và thông báo chính xác hơn về diễn biến của bão như cấp độ, hướng di chuyển, vùng nguy hiểm để hướng dẫn tàu thuyền di chuyển đến những khu neo đậu an toàn. Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão khu vực miền Trung còn nhiều hạn chế so với mức độ phát triển của các phương tiện vận tải, đánh bắt trên biển nên cần có quy hoạch, bố trí kinh phí cho các địa phương khảo sát, đánh giá, xây dựng vùng tránh trú bão cho tàu thuyền...

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp còn chủ quan trong việc chuẩn bị phương án ứng phó với các tình huống thiên tai cấp độ mạnh. Các cơ quan PCTT các cấp cần tăng cường tuyên truyền phổ biến về sự cần thiết và tổ chức các khóa đào tạo, diễn tập ứng phó với thiên tai cấp độ mạnh; ban hành các kịch bản thiên tai cấp độ mạnh làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó hiệu quả.

Theo Bộ Công Thương, trong thời kỳ lũ muộn, Ban Chỉ đạo PCTT các cấp phải căn cứ theo bản tin khí tượng thủy văn, cho phép các hồ tích nước sớm, nhất là với những hồ lớn vì không tích sớm sẽ không đủ nước.

Bộ NN&PTNT sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành cách xác định vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du để các chủ đập, hồ chứa thủy điện có cơ sở xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp...

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các tỉnh khi đề xuất hỗ trợ khắc phục thiên tai cần nêu rõ về địa điểm, quy mô và tổng mức đầu tư, đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Các địa phương cần khẩn trương triển khai dự án đảm bảo tiến độ, thời gian giải ngân, thanh quyết toán. Việc lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế, xã hội của các Bộ, ngành, địa phương cần được quan tâm đúng mức, có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Bộ Tài chính yêu cầu, các địa phương không nên sử dụng kinh phí hỗ trợ đợt thiên tai này để khắc phục hậu quả của đợt thiên tai trước; sử dụng đúng mục đích, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các khoản kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ, phân bổ…

Tại đầu cầu Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, các sở, ban ngành chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân; các công trình điện, giao thông đường bộ, đường thủy; các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện...

Sở Công Thương dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương dự trữ cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra; kiểm tra công tác đảm bảo bình ổn giá cả thị trường khi có thiên tai xảy ra.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/khong-de-thiet-hai-lon-do-thien-tai-a73709.html