Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Xuyên tạc, phủ nhận chiến thắng 30/4 là vô ơn với lịch sử

Ngày chiến thắng 30 tháng tư (30/4) là một trong những ký ức không bao giờ quên của hàng triệu người dân Việt Nam. Đây cũng là dịp các thế lực chống đối tìm mọi phương thức xuyên tạc, chống phá nhằm hạ thấp thành quả vĩ đại của dân tộc ta.

Giáo dục cho học sinh thông qua những chuyến tham quan thực tế tại các bảo tàng, nhà trưng bày. (Ảnh: Hữu Phúc)

Dù đã đi qua gần nửa thế kỷ từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng nhưng vẫn tiếp tục có những ý kiến sai lệch, xuyên tạc lịch sử. Những luận điệu cũ tiếp tục lặp lại. Trên các trang mạng, các hãng truyền thông thiếu thiện cảm với Việt Nam vẫn phát ra những nhận định, quan điểm sai lệch về “nội chiến Bắc-Nam”, “chiến tranh ý thức hệ”, “chiến tranh ủy nhiệm”... cho rằng sự kiện 30/4 không có gì đáng tự hào khi hàng triệu người của cả hai phía phải hy sinh vô nghĩa...

Kẻ vô liêm sỉ như Nguyễn Lân Thắng còn bộc lộ: “Ngày 30/4 phải chuyển thành ngày tưởng niệm những mất mát của dân tộc”. Ở tại Mỹ, kẻ mang danh “Tổng bí thư” của Việt tân Lý Thái Hùng còn hô hào: “Biến ngày 30/4 từ quốc hận thành tinh thần quốc kháng” chống lại chế độ Cộng sản. Một số trong nhóm “Văn đoàn độc lập” còn đòi xét lại công-tội với lịch sử: “Có nhất thiết phải chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá như tìm con đường khác ít xương máu hơn”. Chúng gợi lại hội thảo ở hải ngoại: “Nhìn lại chiến tranh Việt Nam” với những luận bàn về cái gọi là “chiến tranh phi nghĩa”, “Việt Nam chưa có tự do, dân chủ thực sự” và kêu gọi “tuổi trẻ hải ngoại tiếp tục đồng hành, tranh đấu cho tự do và dân chủ”...

Để đánh giá đúng lịch sử phải trên cơ sở có cái nhìn toàn diện, khách quan, tôn trọng sự thật. Những người yêu chuộng hòa bình, công lý tự hào bao nhiêu thì các thế lực chống đối càng điên cuồng xuyên tạc, hạ thấp thắng lợi của Việt Nam bấy nhiêu. Nhà sử học người Pháp Alain Rusco từng đánh giá: Sự kiện 30/4 “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục... Có được chiến thắng này, hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt”.

Ngay như Henry Kisssinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ - người được ví là “bộ não” của chiến tranh ở Việt Nam đã viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản”. Những người Mỹ đương đại thức thời hơn khi nhìn nhận lịch sử và rút ra bài học trong quan hệ với Việt Nam. Nhưng cũng phải hơn 20 năm sau mới thể hiện đầy đủ trong tôn trọng thực sự độc lập, xóa bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Những người từng đứng bên kia chiến tuyến cũng phải khâm phục, thừa nhận: “Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại” (Nguyễn Hữu Có, cựu Tổng trưởng Quốc phòng quân đội ngụy). Người thực tế hơn như Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống chính quyền ngụy đã bộc lộ: “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc”...

Học sinh A Lưới tham quan tìm hiểu các hiện vật văn hóa, hiện vật chiến tranh. (Ảnh: Hữu Phúc)

Nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu quốc tế và các tài liệu từ chính giới Mỹ tiết lộ về chiến tranh ở Việt nam là một cuộc “chiến tranh xâm lược”. Sau 1945, cục diện chính trị thế giới đã có biến đổi mạnh mẽ hình thành một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Châu Á, Châu Âu. Việt Nam nằm ở vị trí địa chính trị nhạy cảm, được đánh giá có ý nghĩa chiến lược chống làn sóng cộng sản lan xuống Châu Á - Thái Bình dương và trở thành tiêu điểm của Mỹ và Phương tây thực hiện chiến lược ngăn chặn từ xa, làm bàn đạp tấn công các nước xã hội chủ nghĩa.

Thất bại của Pháp, Mỹ đã từng bước thay chân, áp dụng các chiến lược chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, cao điểm đã có hơn nửa triệu quân Mỹ, chư hầu với hàng loạt vũ khí tối tân nhất. Nhưng cuối cùng tháng 1/1973, Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, chấp nhận rút quân và 2 năm sau phải đứng từ xa nhìn kết cục không thể đảo ngược về những gì diễn ra trong thời điểm 30/4/1975. Những cuộc di tản hay còn gọi là “bám càng”, “tháo chạy” của đội quân bại trận, những kẻ ham sống, sợ chết, chưa kịp hoàn hồn cam chịu sống ký sinh, nhận bơ sữa, đô la của ngoại bang tiếp tục chống phá đất nước. Những tổ chức chống đối, những tập hợp lực lượng ô hợp rầm rộ được dựng lên nhằm lôi kéo những kẻ còn mang nặng hận thù ở hải ngoại. Kết cục chúng chỉ dám to miệng hô hào “phục quốc” từ bên kia bờ đại dương.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được ghi vào lịch sử dân tộc như một trang chói lọi nhất. Cộng đồng quốc tế đánh giá đây là một trong những chiến thắng vĩ đại, một sự kiện quan trọng, có tính chất thời đại sâu sắc trong thế kỷ 20. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng đất nước chỉ được hòa bình, im tiếng súng ít chục năm trở lại đây. Việt Nam bây giờ đã khác xa so với thời kỳ chiến tranh và vượt lên hơn hẳn 30 năm về trước. Có được thành quả đó chính là từ tinh thần, truyền thống yêu nước vươn lên từ khó khăn, thử thách của cả dân tộc. Người Việt Nam chân chính cần phải có tiếng nói đúng đắn với lương tâm và lẽ phải, không thể ngồi từ một phương xa xôi lại nói về đất nước với tiếng nói lạc lõng, hồ đồ, xuyên tạc. Có được cơ đồ, uy tín, tiềm lực, vị thế như ngày nay không bao giờ được quên ơn hàng triệu người con đã hy sinh xương máu giành độc lập cho đất nước. Những kẻ “cao chạy xa bay” từ bỏ quê hương, những kẻ cơ hội chính trị quay lưng lại với đất nước đâu có thấy, đâu dám nghĩ tới và mong muốn đất nước có được như ngày hôm nay.

Những luận điệu và hành động phỉ báng, phủ nhận quá khứ là những kẻ vô ơn với lịch sử, vô ơn với những người đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc. Xuyên tạc và phủ nhận thành quả của ngày 30/4/1975 cũng là tội ác cần phải lên án.

NGUYỄN AN HÒA

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/xuyen-tac-phu-nhan-chien-thang-30-4-la-vo-on-voi-lich-su-a111925.html