'Chính trị xanh' đang thay đổi châu Âu như thế nào?
Trong cuộc tổng bầu cử nước Đức hồi tháng 9 vừa rồi, Đảng Xanh đã đạt được thành công lớn nhất từ trước tới nay. Song đó chỉ là một phần trong xu thế 'Chính trị xanh' đang lan tỏa mạnh mẽ tại châu Âu.
Từ Hungary, Phần Lan cho tới Đức
Trong một cuộc bầu cử bị chi phối bởi biến đổi khí hậu, một đốm xanh đã tạo nên một làn sóng ở bang Bavaria, nước Đức. Lần đầu tiên, một ứng cử viên từ Đảng Xanh được bầu trực tiếp để đại diện cho Bavaria vào quốc hội của đất nước “siêu công nghiệp” này.
Điều quan trọng nó đã trở thành biểu tượng về việc các đảng xanh ngày càng gia tăng mạnh mẽ tầm ảnh hưởng của mình ở châu Âu, từ Hungary cho đến Phần Lan.
Nghị sĩ Jamila Schaefer vẫn còn đầy rạng rỡ khi nhớ lại chiến thắng bất ngờ của mình ở Munich-South, với tỷ lệ phiếu bầu chênh lệch chỉ 0,8%. Chỉ một lần trước đây, đảng CSU bị mất khu vực bầu cử này kể từ năm 1976. “Đây là một dấu hiệu lớn của sự thay đổi”, bà cho biết.
Đảng Xanh đã giành được 14,8% số phiếu bầu trong cuộc tổng bầu cử Đức năm 2021. Đồng lãnh đạo đảng này, cũng là một phụ nữ - bà Annalena Baerbock luôn nằm trong những ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí thủ tướng Đức.
Với tỷ lệ phiếu bầu đáng kể nói trên, Đảng Xanh có một vị thế rất lớn và đang đàm phán với Đảng Dân chủ Xã hội (FPD) và Đảng Dân chủ Tự do (SPD) để thiết lập liên minh thành lập chính phủ mới của nước Đức, thay thế liên minh chính phủ CDU/CSU của bà Angela Merkel.
Nghị sỹ Schaefer mới chỉ 28 tuổi, song đã là phó chủ tịch liên bang của Đảng Xanh của Đức. Bà từng nằm trong hàng ngũ tổ chức “Tuổi trẻ Xanh”, tham gia các cuộc đình công ở trường học chống lại cải cách giáo dục. Điều này cũng cho thấy, việc chia sẻ quyền lực tại nước Đức đang diễn ra rất mạnh mẽ, theo xu hướng “trẻ hơn” và “xanh hơn”.
Biến đổi khí hậu chính là vấn đề nghiêm trọng nhất mà Đức phải đối mặt trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử. Dù vậy, Schaefer đã nhắm mục tiêu vào chiến dịch “gần dân” ở khu vực bầu cử Munich-South; cụ thể về nhà ở, lương hưu và thuế.
Bản đồ những quốc gia mà các đảng xanh tham gia trong liên minh chính phủ - Ảnh: BBC
“Chồi xanh” nở rộ
Từ chỗ bị chế giễu là tín đồ duy tâm, các đảng xanh tại châu Âu đều có sự gia tăng về tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc bầu cử gần nhất ở 13 quốc gia khác nhau tại châu Âu. Tại 6 trong số các quốc gia này, gồm Áo, Bỉ, Phần Lan, Ireland, Luxembourg và Thụy Điển - các đảng xanh đều đang nằm trong liên minh thành lập chính phủ. Tới đây, danh sách này gần như sẽ có thêm cả một cường quốc lớn nữa. Đó là nước Đức.
Các đảng xanh tại các quốc gia nói trên đang thúc ép các đảng liên minh của họ áp dụng các biện pháp giảm lượng khí thải, hướng tới mục tiêu vào năm 2050 sẽ trung hòa được lượng carbon - tức cân bằng lượng khí nhà kính do các thành phố thải ra và hấp thụ.
Bất chấp thành công lớn, song các đảng xanh cũng chưa thực sự giành được những gì so với sự kỳ vọng và đánh giá ban đầu. Baerbock cho biết: “Chúng tôi còn muốn nhiều hơn nữa”. Lý do một phần vì các đảng phái truyền thống trên khắp châu Âu cũng nâng biến đổi khí hậu lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của mình.
Các đảng xanh có xu hướng thành công hơn ở các quốc gia bầu cử theo tỷ lệ phiếu bầu, như chính cách thức bầu cử của Liên minh châu Âu. Ví dụ, khối liên minh Đảnh Xanh/EFA đã giành được 25 ghế với 10,8% phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào Nghị viện Châu Âu năm 2019.
Môi trường và phải hơn thế nữa
Philippe Lamberts, đồng chủ tịch của Đảng Xanh/EFA, cho biết: “Mọi người nghĩ rằng việc đưa người đảng xanh lên nắm quyền ít rủi ro hơn. Song cuối cùng, một câu hỏi vẫn được đặt ra là: bạn có thể tin vào nền kinh tế xanh không?”.
Theo kết quả bầu cử tại các quốc gia cho đến lúc này, câu trả lời thực ra vẫn là: “Không!”.
Để giảm lượng khí thải, các đảng xanh nói rằng cần phải có những thay đổi lớn về cơ cấu đối với nền kinh tế. Mặc dù điều đó là cần thiết, nhưng mọi người sẽ có tâm lý sợ hãi, khiến họ không thể bỏ phiếu cho đảng xanh.
Nghị sĩ Lamberts phân tích: “Họ lo lắng rằng họ sẽ là kẻ thất bại trong sự thay đổi lớn. Chúng tôi cần thuyết phục mọi người rằng chính trị của chúng tôi không phải từ bỏ quyền kiểm soát”.
Vấn đề còn trở nên nan giải hơn ở các nước Nam và Đông Âu, nơi mà sự ủng hộ dành cho các đảng xanh còn ít hoặc không tồn tại. Các cuộc khảo sát cho thấy biến đổi khí hậu không phải là ưu tiên ở các nước hậu cộng sản như Ba Lan, Cộng hòa Séc và Latvia.
Các cử tri và đảng phái chính trị ở đó thường quan tâm nhiều hơn đến phát triển kinh tế hoặc di cư, để lại các vấn đề môi trường cho các tổ chức xã hội dân sự.
Lamberts cho hay, các cử tri tại các quốc gia này vẫn khó bị thuyết phục về việc mô hình kinh tế đất nước họ đang “giết chết hành tinh”, như thông điệp mà các đảng xanh kêu gọi.
Biểu đồ tỷ lệ phiếu bầu mà các đảng xanh giành được ở các cuộc bầu cử gần đây tại các quốc gia châu Âu - Ảnh: BBC
Những gợi ý từ Hungary
Tuy nhiên, có một ngoại lệ đã xảy ra. Không giống như ở nhiều quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ, các đảng xanh đã xâm nhập được vào Hungary.
Đảng xanh LMP đều giành được ghế trong quốc hội nước này trong cả 3 cuộc bầu cử toàn quốc liên tiếp kể từ năm 2010. Thậm chí một đảng xanh khác là Dialogue còn nhận được tới 11,9% phiếu bầu vào năm 2018.
Thành công của Dialogue đến từ sự lãnh đạo của Gergely Karacsony, người được bầu làm thị trưởng Budapest vào năm 2019. Ông đã đánh bại được chủ nghĩa dân tộc bằng cách tập hợp các đảng đối lập đứng sau cương lĩnh tự do của mình; hứa hẹn các giải pháp không chỉ cho các vấn đề môi trường, mà còn cả kinh tế và xã hội.
Ông nói với BBC mới đây: “Ở Hungary hiện nay, có ba cuộc khủng hoảng khác nhau. Một cuộc khủng hoảng dân chủ, một cuộc khủng hoảng xã hội và một cuộc khủng hoảng môi trường. Lợi thế của chúng tôi có thể giải quyết cả ba”.
Bởi vậy, Hungary có thể được xem như hình mẫu tiêu biểu của “Chính trị xanh”. Họ đã thuyết phục được cử tri với tôn chỉ xanh của mình, thống nhất được với phe đối lập và đa dạng hóa các mục tiêu, chứ không chỉ môi trường.