Chính trường Thái Lan thêm sóng gió
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 16-8 bác bỏ kiến nghị liên quan tới việc tái đề cử ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP), cho vị trí thủ tướng.
Theo đài Nikkei, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bác bỏ kiến nghị yêu cầu họ phán quyết về tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vào tháng trước. Cuộc bỏ phiếu này ngăn ông Pita được tái đề cử làm ứng viên thủ tướng.
Trước đó, ông Pita cũng không nhận được đủ sự ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu ngày 13-7 và ngày 19-7 do các nghị sĩ bảo thủ lập luận rằng việc tái đề cử lãnh đạo MFP là trái quy tắc Quốc hội.
Cùng ngày 19-7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita cho đến khi ra phán quyết trong vụ kiện về cáo buộc ông không đủ tiêu chuẩn tranh cử. Quốc hội Thái Lan cũng tước tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita.
Văn phòng Thanh tra viên Thái Lan ngày 24-7 đã đệ đơn yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc liệu Hiến pháp có thể thay thế các quy tắc Quốc hội khi nói đến cuộc bầu cử thủ tướng hay không.
Tòa án này ngày 3-8 cho biết việc xem xét kiến nghị sẽ mất thời gian và họ sẽ không đưa ra phán quyết cho đến ngày 16-8, khiến vòng bỏ phiếu thủ tướng thứ ba bị trì hoãn.
Ngày 16-8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan bác bỏ kiến nghị nêu trên và giải thích người nộp đơn kiến nghị phải là người trực tiếp bị chính quyền lạm dụng quyền lợi và sự tự do, trong khi bản kiến nghị cho ông Pita do thanh tra viên đưa ra. Do đó, tòa án nhất trí bác bỏ đơn kiến nghị.
Đảng MFP giành được 151/500 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 14-5. Sau khi ông Pita bị chặn làm ứng viên thủ tướng, đảng Pheu Thai đã dẫn đầu nỗ lực thành lập chính phủ mới.
Ngày 15-8, đảng MFP tuyên bố không hỗ trợ Pheu Thai trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng kế tiếp vì làm như vậy sẽ "đi ngược lại ý chí của người dân".
Điều này cũng đồng nghĩa với việc đảng MFP từ chối hỗ trợ ứng viên thủ tướng Srettha Thavisin của đảng Pheu Thai.