Chịu áp lực về nguồn cung, giá khí đốt châu Âu lại nhảy vọt lên hơn 1.600 USD/1.000 m3

Theo số liệu của sàn giao dịch chứng khoán London ICE, đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 3,5% và vượt ngưỡng 1.600 USD/1.000 m3.

 Giá khí đốt châu Âu trong phiên ngày 16/12 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.600 USD/1.000 m3 kể từ đầu tháng 10.

Giá khí đốt châu Âu trong phiên ngày 16/12 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.600 USD/1.000 m3 kể từ đầu tháng 10.

Giá hợp đồng khí đốt giao sau tháng 1/2022 tại trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan ở cuối phiên giao dịch ngày 16/12 đã tăng lên mức 1.602 USD/1.000 m3, tương đương 137 Euro/MWh.

Chốt phiên giao dịch ngày 16/12, giá khí đốt tại thị trường châu Âu tiếp tục tăng vọt lên 1.611 USD/1.000 m3, tương đương 137,795 Euro/MWh.

Giá mặt hàng này được giao dịch ở mức 1.447 USD/1.000 mét khối khi đóng cửa phiên ngày 15/12.

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong tuần này sau khi Berlin trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga sang Đức chạy qua Biển Baltic.

Rủi ro đối với châu Âu đang gia tăng trong mùa đông này với kho dự trữ khí đốt giảm xuống mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm và cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết.

Hiện tại, Nga đang cung cấp 1/3 nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua một số tuyến đường ống trung chuyển chạy qua Belarus và Ba Lan, Ukraine và tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1. Nguồn cung thiếu hụt khiến cho châu Âu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong khi giá năng lượng tăng chóng mặt.

Theo RT, ông Sebastian Bleschke - giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà khai thác kho chứa khí đốt của Đức (INES), cho biết dự trữ khí đốt tự nhiên của nước này hiện chỉ đạt gần 60%, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Phát biểu với tờ Handelsblatt hôm 16/12, ông Bleschke nhấn mạnh rằng nguồn dự trữ khí đốt mới lấp đầy được 59% công suất là "mức thấp kỷ lục” trong lịch sử của Đức - quốc gia có khả năng lưu trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, Ba Lan cho biết họ dự kiến thị trường khí đốt vẫn sẽ biến động cho đến khi có quyết định cuối cùng về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.

Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine có nguy cơ dẫn đến nguồn cung tiếp tục bị cắt giảm, làm tăng nguy cơ khủng hoảng năng lượng sẽ kéo dài sang mùa hè năm sau.

Giá năng lượng tăng mạnh đã khiến chính phủ các nước phải dùng biện pháp trợ cấp và miễn giảm thuế để bảo vệ người tiêu dùng, và nhiều nước đã kêu gọi thiết lập một hệ thống mua chung khí đốt của EU.

Theo một văn bản được chuyển đến các nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong hai ngày 16-17/12, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một hệ thống để các nước EU cùng mua khí đốt cho kho dự trữ nhiên liệu chiến lược.

EC cho biết đề xuất này sẽ bao gồm một khung quy định cho phép các cơ quan được quản lý tiến hành mua chung khí đốt cho kho dự trữ chiến lược trên cơ sở tự nguyện. Theo EC, hệ thống này sẽ đóng góp vào các biện pháp phối hợp của EU trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực./.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chiu-ap-luc-ve-nguon-cung-gia-khi-dot-chau-au-lai-nhay-vot-len-hon-1600-usd1000-m3-443953.html