'Cho' 200 triệu mỗi chuyến nếu mở tuyến tới cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh có đang 'phiêu lưu' ngân sách ?

Nhằm thu hút và duy trì tuyến vận chuyển container qua con đường cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ tổ chức, cá nhân mở tuyến vận chuyển và có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng.

Theo đó, Nghị quyết số 276/2021 "Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh" vừa được HĐND Hà Tĩnh ban hành ngày 25/5.

Trong đó có nội dung hỗ trợ 200 triệu mỗi lần cập cảng nếu tàu biển trả hoặc bốc hàng có tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng và mở tờ khai tại các Chi cục thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh cũng nằm trong diện được hỗ trợ. Cụ thể, hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng (không tính loại hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) sẽ nhận được hỗ trợ phụ thuộc vào độ cao container: 700.000 đồng/container đối với container 20 feet; 1.000.000 đồng/ container đối với container 40 feet trở lên.

Dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp sẽ lấy từ ngân sách của tỉnh. Thời gian áp dụng trong khoảng 2 năm từ ngày 10/5/2021 đến hết ngày 31/12/2023.

Phát triển tuyến container sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế

Phát triển tuyến container sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế

Động lực để Hà Tĩnh thực hiện ưu đãi này là bởi theo quan sát của các nhà chức trách, với lượng hàng hóa có sẵn tại tỉnh thì các hãng tàu container khai thác tuyến cố định qua cảng Vũng Áng sẽ phải bỏ ra chi phí hoạt động lớn hơn nhiều so với doanh thu.

Vì vậy, để tránh làm mất đi lượng lớn tàu vận chuyển bởi phí, lãnh đạo Hà Tĩnh muốn thu hút hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng nên đã đưa ra chính sách hỗ trợ ban đầu.

Từ đó sẽ hình thành và duy trì tuyến container trong tương lai. Với sự ra đời của tuyến tàu thì sẽ tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp tỉnh có thêm các khoản thu dịch vụ tại cảng, giải quyết vấn đề việc làm...

Được biết, Cảng Vũng Áng gồm 2 bến cảng có tổng chiều dài 456 m, độ sâu trước bến đạt (-13m). Bên trong là khu bến tổng hợp có khả năng tiếp nhận các loại tàu vận chuyển hàng hóa với trọng tải lên đến 61.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU (TEU là loại đơn vị tương đương 20 feet).

Cảng là đầu mối giao thông quan trọng giúp kết nối và giao thương hàng hóa giữa các khu vực Lào, Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Trước đó, ngày 19/5, Công ty cổ phần vận tải biển Tân Cảng Sài Gòn (thuộc Tân Cảng Sài Gòn) và Tổng Công ty khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) phối hợp khai trương tuyến container tại cảng Vũng Áng. Đây là tuyến vận tải biển nội địa kết nối hàng hóa Hải Phòng - Vũng Áng- TP.HCM. Nhìn từ các điểm đến của tuyến vận tải này, có thể thấy Vũng Áng vẫn là cảng thu gom và phân phối hàng hóa với sản lượng thấp.

Cần nhấn mạnh, có thể nhận thấy chính sách hỗ trợ bằng tiền của Hà Tĩnh có thể là "dao hai lưỡi" với tỉnh này. Để vận tuyến vận tải biển container, yếu tố quan trọng nhất là nguồn hàng. Nói cách khác là tàu đến và đi Vũng Áng đều phải đủ hàng.

Chi phí mỗi chuyến tàu và chi phí làm hàng container hiện chiếm khá cao trong giá thành hàng hóa. Do vậy, mức hỗ trợ 200 triệu đồng mỗi chuyến tàu thuộc tuyến vận tải qua lại Vũng Áng có thể chưa đủ bù cho mức lỗ vận hành nếu đưa tàu vào cảng này.

Lưu ý là, với khả năng phục vụ tàu tới 61.000 tấn - một size tàu nhỡ cỡ và không có nhiều trong đội tàu container thế giới, hoàn toàn không có trong số vài chục tàu container treo cờ quốc tịch Việt Nam hiện nay - thực tế cảng Vũng Áng đang buộc phải thu hút các tàu cỡ nhỏ định tuyến. Yếu tố lãng phí đầu tư đã nhìn thấy rất rõ và ngay trong điều kiện vận hành thuận lợi, sẽ rất khó để cảng Vũng Áng có hiệu quả kinh tế.

Nói cách khác là chi phí ngân sách bỏ ra là thật, nhưng kết quả thu về là định được tuyến vận tải sau 2 năm nữa có thể không đạt được. Đó là chưa tính tới các rắc rối và rủi ro, thậm chí là cả các chi phí không thể hạch toán được.... khi nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách, có thể khiến các doanh nghiệp không mặn mà với hỗ trợ bằng tiền của Hà Tĩnh.

Thay vào đó, Hà Tĩnh có thể tính toán tới việc đầu tư ngân sách để tổ chức và hỗ trợ các khâu thu gom, phân phối hàng hóa tại tỉnh, các địa phương, và quốc gia lân cận. Ổn định nhu cầu sản lượng hàng hóa, giảm thời gian thủ tục là hai yếu tố then chốt thu hút các hãng tàu mở tuyến tới Vũng Áng mà không cần hỗ trợ.

H.S

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ha-tinh-dua-ra-uu-dai-lon-cho-tau-container-ra-vao-vung-ang-32908.html