Cho con xe, đừng quên cho thêm kiến thức
Vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra vào ngày 20/3 tại Km 123+600 thuộc Quốc lộ 26 (đoạn qua thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) khiến nam sinh lớp 7 tử vong một lần nữa làm cho bậc làm cha làm mẹ không khỏi lo lắng khi giao xe cho con tự điều khiển tham gia giao thông.
Đoạn clip do camera an ninh của người dân ghi lại vụ việc cho thấy, nam sinh này điều khiển xe đạp điện từ đường Nơ Trang Long tới khu vực giao nhau với Quốc lộ 26 đã dừng lại quan sát. Tuy nhiên, khi thấy một chiếc ô tô con lưu thông cùng chiều, nam sinh đi cạnh bên và bị khuất tầm nhìn lúc sang đường nên bị xe cứu thương tông, làm em bị thương nặng và không qua khỏi.
Thi thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đưa tin về các vụ tai nạn giao thông (TNGT) mà nạn nhân bị thương vong là những học sinh. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 15/3, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề nghị, nên có quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50 phân khối (50cc) hoặc xe máy điện phải có giấy phép lái xe (GPLX) hoặc chứng chỉ lái xe.
Việc đầu tư cho con cái chiếc xe dưới 50cc hiện nay là nhu cầu chính đáng đối với những gia đình có điều kiện. Điều đó nhằm hỗ trợ con cái thuận lợi hơn khi đi học, cha mẹ không vướng bận việc đón đưa. Nhưng nhìn vào thực tế, có rất nhiều hình ảnh các học sinh điều khiển xe này khi ra đường còn thiếu hiểu biết về quy tắc tham gia giao thông. Các em chở 3, chở 4, không đội mũ bảo hiểm; lưu thông ra đường ưu tiên, qua đường hoặc chuyển làn đột ngột, thiếu quan sát nên dẫn đến nguy cơ TNGT.
Số liệu được ông Khuất Việt Hùng đưa ra nhằm minh chứng cho sự cần thiết về đề xuất trên khiến nhiều người giật mình. Đó là trong năm 2023 có khoảng 2.300 người dưới 18 tuổi bị thương vong do TNGT, trong đó khoảng 1.000 trẻ em tử vong. Đáng chú ý, 80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi, đa số tự điều khiển phương tiện gây tai nạn. Các em học sinh điều khiển phương tiện thiếu kỹ năng xử lý khi tham gia giao thông.
Không những mối lo đối với loại xe dưới 50cc, nhiều gia đình còn giao hẳn cho con một chiếc mô tô, xe máy dung tích động cơ phân khối lớn, đòi hỏi có GPLX mới được điều khiển. Có thể cha mẹ sẵn xe nên cho con cái “mượn tạm” đi học, khỏi phải bỏ ra số tiền mua xe dưới 50cc cho con; cũng không loại trừ nguyên nhân rằng do gia đình có điều kiện nên mua xe cho con để bằng bạn bằng bè.
Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rất nỗ lực tuyên truyền ý thức chấp hành an toàn giao thông đến đối tượng học sinh. Biện pháp mạnh là tuần tra, kiểm soát tại khu vực xung quanh trường học để phát hiện, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng được triển khai. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã xử lý gần 800 trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 700 phương tiện mô tô.
Nên nhớ đây là đối tượng dưới 18 tuổi, chưa được cấp GPLX vì vậy chắc chắn chưa được học Luật Giao thông đường bộ, chưa được đào tạo các kỹ năng lái xe. Do đó, khi tham gia giao thông, các em sẽ thiếu hiểu biết về các quy định, hạn chế khả năng xử lý tình huống, không lường trước được hậu quả nên rất nguy hiểm không những đối với chính mình mà nhiều người khác.
Điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có GPLX nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng). Nếu xảy ra TNGT thì chủ xe phải chịu trách nhiệm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.