Chờ 'cú chuyển mình' của các HTX nông nghiệp ở Bàu Bàng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Bên cạnh hai HTX có triển vọng như HTX HTP Green, HTX Măng tre Điền Trúc thì số lượng HTX nông nghiệp ở huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có. Điều này đòi hỏi cần có 'cú chuyển mình' của các HTX trong sản xuất nông nghiệp để góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao ở vùng đất này.

Sở hữu trang trại trồng dưa lưới diện tích khoảng 16.000m2, HTX dưa lưới HTP Green ở thị trấn Lai Uyên là mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, điển hình tại huyện Bàu Bàng với 15 nhà lưới, trung bình mỗi nhà lưới hơn 1.000m2.

Thích ứng với nông nghiệp đô thị

Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc HTX, cho biết trước đây các thành viên trong HTX trồng cây dược liệu. Sau đó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh không xuất khẩu được, nên cách đây 3 năm, HTX quyết định chuyển hướng sang trồng dưa lưới.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới của HTX HTP Greenđang cho hiệu quả kinh tế khả quan.

Theo ông Phong, để phát triển mô hình trồng dưa lưới trước đó HTX đã trồng thử nghiệm 2.000m2 ở huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) và cho hiệu quả kinh tế khả quan. Ban đầu khi mới chuyển đổi mô hình HTX phải đào tạo nhân lực, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất...

Đến nay, trung bình mỗi nhà lưới của HTX đạt khoảng 3 - 3,5 tấn dưa lưới/1.000m2, sản xuất 3 giống dưa lưới chính là dưa lưới xanh, vàng Huỳnh Long và dưa mật trắng.

Thời gian tới, ngoài việc phát triển mảng dưa lưới, HTX này sẽ tiếp tục sản xuất trở lại với cây dược liệu khi thị trường ổn định. Điều này nhằm khôi phục lại sản phẩm ưu thế trước đây, vừa giúp các thành viên tăng thêm thu nhập, phù hợp mô hình nông nghiệp đô thị.

Ông Châu Thanh Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Lai Uyên, cho biết những mô hình trồng dưa lưới như HTX HTP Green là một trong những mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị tiêu biểu trên địa bàn thị trấn hiện nay, phù hợp với môi trường đô thị, đảm bảo thu nhập cho gia đình.

Không chỉ riêng thị trấn Lai Uyên, hiện nay các xã khác ở huyện Bàu Bàng đã và đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, phải kể thêm một HTX nông nghiệp tiêu biểu khác của huyện Bàu Bàng, đó là HTX Măng tre Điền Trúc ở xã Cây Trường II với tổng diện tích canh tác khoảng 100 ha.

Là một thành viên HTX, ông Trần Lê Châu (ở xã Cây Trường II) cho biết với giá bán dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg măng tươi, một ha tre mỗi năm trừ chi phí cũng thu được trên 100 triệu đồng. Hiện gia đình ông có tổng cộng 8 ha tre điền trúc, mỗi năm thu nhập được gần cả tỷ đồng.

Bước ngoặt ở xã Cây Trường II

Trồng măng tre điền trúc chỉ cần mua giống lần đầu tiên, sau 12 tháng là cho thu hoạch. Từ 10 ha diện tích trồng măng tre, đến nay trên địa bàn xã Cây Trường II đã không ngừng nhân lên. Với đầu ra khá ổn định và quá trình chăm sóc, thu hoạch không quá vất vả như các loại cây trồng khác nên mô hình trồng tre lấy măng của HTX Măng tre Điền Trúc đã thu hút nhiều hộ gia đình trong xã tham gia.

HTX Măng tre Điền Trúc giúp cho không ít thành viên thu nhập tiền tỷ.

HTX Măng tre Điền Trúc giúp cho không ít thành viên thu nhập tiền tỷ.

Trung bình một năm, mỗi một hộ trồng tre lấy măng trên địa bàn xã Cây Trường II thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm/1ha. Việc mạnh dạn trồng giống mới đã đem lại thu nhập ổn định hơn.

Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Măng tre Điền Trúc, cho biết ưu điểm của trồng tre lấy măng là có thể cho thu nhập quanh năm.

Đặc biệt, 3 tháng trước và 3 tháng sau Tết Nguyên đán, giá măng trên thị trường luôn cao hơn các tháng còn lại. Theo ông Sơn, hiện nay có 5 hộ đang làm hồ sơ thủ tục để được chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn VietGap. Đây là một trong những bước đi nhằm khẳng định thương hiệu măng tre Điền Trúc của xã Cây Trường II...

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, những mô hình kinh tế như HTX trồng tre lấy măng ở xã Cây Trường II không những xanh hóa nguồn đất bạc màu mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.

Điều này được xem như một trong những bước ngoặt giúp xã Cây Trường II chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Hồi năm rồi xã này đã vinh dự đón nhận danh hiệu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân nơi đây ngày càng sung túc. Nếu như thu nhập bình quân đầu người ở xã năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2023 đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm, tăng tương đương hơn 145% so với năm 2015.

Hiện nay nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo mang lại thu nhập chủ yếu cho người dân ở xã Cây Trường II. Cơ cấu kinh tế của xã thì ngành nông nghiệp chiếm đến 80,05%. Ngoài HTX Măng tre Điền Trúc thì trong xã còn có 1 tổ hợp tác và 6 mô hình tổ liên kết sản xuất nông nghiệp. Từ đó để thấy tầm quan trọng như thế nào của sản xuất nông nghiệp và mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương này.

Cần lưu ý, bên cạnh 2 HTX đang hoạt động hiệu quả như HTX Măng tre Điền Trúc và HTX HTP Green thì số lượng HTX nông nghiệp ở huyện Bàu Bàng vẫn còn khá khiêm tốn dù cho toàn huyện có 10.780 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích cây trồng toàn huyện đạt hơn 18.700 ha và 326 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cần nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới

Bên cạnh đó, cần để ý thêm tình trạng “sốt đất” của thị trường bất động sản thời gian qua dẫn đến nhiều người dân đang sản xuất, kinh doanh các ngành nghề về nông nghiệp trong huyện đã “bỏ nghề” để tham gia đầu tư mua, bán bất động sản.

Trên bước đường Bàu Bàng tiến tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao đang rất cần bước chuyển mình của các HTX nông nghiệp kiểu mới.

Trên bước đường Bàu Bàng tiến tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao đang rất cần bước chuyển mình của các HTX nông nghiệp kiểu mới.

Tính đến nay trên địa bàn huyện có 13 HTX thì chỉ có 3 HTX nông nghiệp. Ngoài ra, toàn huyện hiện có có 6 tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với ngành nghề chủ yếu là trồng trọt.

Có thể thấy quy mô phát triển các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp của huyện Bàu Bàng phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có. Nhất là quy mô nhỏ, tính liên kết hạn chế, năng lực nội tại thấp, chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí chủ lực của kinh tế tập thể trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chưa kể, bên cạnh một hai HTX đang có triển vọng như HTX HTP Green hay HTX Măng tre Điền Trúc thì năng lực hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trong huyện cũng không đồng đều, tính cạnh tranh thấp, thu nhập đem lại cho các thành viên tham gia không cao. Chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động của các HTX chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển.

Hiện nay huyện Bàu Bàng đang quyết tâm đến cuối năm 2023 sẽ có 100% xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao. Kết quả này nếu đạt được sẽ giúp huyện “về đích” sớm trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng với số lượng HTX nông nghiệp còn ít ỏi như hiện nay đang đòi hỏi chính quyền huyện này cần tạo ra những bước đột phá trong kinh tế tập thể để đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Để tiếp tục phát triển các HTX nông nghiệp trong bối cảnh đang tập trung hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, đòi hỏi huyện Bàu Bàng tiếp tục triển khai và nhân rộng những mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới làm ăn có hiệu quả trên địa bàn. Nhất là xây dựng được các mô hình HTX điển hình trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các HTX theo mô hình nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh đó, huyện cần chú trọng nâng cao chất lượng của các HTX nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng các kỹ thuật canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi cho các thành viên HTX.

Hơn thế nữa, các cơ quan chức năng huyện Bàu Bàng nên tư vấn cho các HTX nông nghiệp sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cho các thành viên HTX. Qua đó nhằm nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập cho thành viên HTX và người lao động, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các thành phần kinh tế khác.

Thanh Loan

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cho-cu-chuyen-minh-cua-cac-htx-nong-nghiep-o-bau-bang-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-1096967.html