Cho đến nay ông Trump đã áp bao nhiêu loại thuế quan, vì mục đích gì và ai sẽ đóng thuế?

Chỉ vừa nhậm chức hơn hai tháng, Tổng thống Donald Trump đã triển khai ít nhất 5 loại thuế quan lên các đối tác thương mại của Mỹ.

Tàu chở hàng tại cảng Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Tàu chở hàng tại cảng Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Trong quá trình tranh cử tổng thống lần thứ hai, ông Donald Trump hứa hẹn sẽ đưa thuế quan trở lại làm trọng tâm chính sách kinh tế của Mỹ. Ngay khi quay lại nắm quyền, nhà lãnh đạo 78 tuổi đã hành động nhanh chóng và công bố một loạt thuế quan nhập khẩu lên các đối tác thương mại của Mỹ.

Mọi con mắt đã đổ dồn vào một sự kiện trong khuôn viên Nhà Trắng hôm 2/4. Tại đó, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế quan sâu rộng nhất từ đầu nhiệm kỳ thứ hai cho đến nay.

Ông Trump đã áp những loại thuế quan nào?

- Vào đầu tháng 2, chính quyền ông Trump quyết định áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Khoảng một tháng sau, Washington tăng gấp đôi mức thuế lên 20%.

- Vào đầu tháng 3, Mỹ thông báo đánh thuế 25% lên hầu hết hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico từ ngày 4/3. Hai ngày sau, ông Trump công bố một loạt miễn trừ kéo dài một tháng.

- Ở diễn biến khác, vào ngày 10/2, Mỹ tuyên bố áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Thuế quan có hiệu lực vào ngày 12/3 và không bao gồm miễn trừ nào.

- Đến ngày 26/3, Mỹ thông báo áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu. Kế hoạch của chính quyền ông Trump là đánh thuế xe lắp ráp hoàn chỉnh tại nước ngoài vào ngày 3/4 và áp thuế linh kiện ô tô vào ngày 3/5.

- Động thái gây chấn động nhất cho đến nay là thuế quan đối ứng. Phát biểu tại Vườn Hồng vào ngày 2/4, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Khoảng 60 đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ sẽ chịu mức thuế cao hơn. Đơn cử, Trung Quốc sẽ chịu thuế đối ứng 34%, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam lần lượt bị áp thuế 20% và 46%.

Nhà Trắng lưu ý thuế quan đối ứng của Trung Quốc sẽ cộng gộp cùng với các mức thuế hiện hành. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu từ đất nước tỷ dân sang Mỹ sẽ phải chịu tổng mức thuế quan là 54%.

Thuế quan tối thiểu sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4. Riêng Canada và Mexico không phải chịu thuế đối ứng nếu các mức thuế trước đó còn giữ nguyên.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ từng phát tín hiệu rằng chất bán dẫn, dược phẩm, thực phẩm và đồng là những mặt hàng khác có thể phải đối mặt với thuế nhập khẩu mới. Ông cũng đe dọa sẽ áp thuế cao hơn đối với mọi hàng hóa từ EU.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg).

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Trump áp thuế nhằm mục đích gì?

Trong phiên điều trần để Quốc hội Mỹ phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính vào đầu tháng 1, ông Scott Bessent hàm ý chủ nhân Nhà Trắng sẽ dùng thuế quan cho ba mục đích khác nhau.

Ba mục đích này bao gồm khắc phục các hành vi thương mại không công bằng mà ông Trump nói có thể giúp phục hồi lĩnh vực công nghiệp tại Mỹ; tăng doanh thu cho ngân sách liên bang để giúp Washington chi trả cho kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập trong nước; và làm đòn bẩy với các cường quốc nước ngoài thay cho lệnh trừng phạt vì ông Trump cho rằng Mỹ đã lạm dụng biện pháp đó.

Thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Mỹ

Ông Trump từng đề cập đến việc sử dụng thuế quan để phục hồi lĩnh vực sản xuất và ngăn Mỹ bị các quốc gia khác “lừa gạt” do mất cân bằng thương mại. Nhà lãnh đạo đưa ra ý tưởng sử dụng kết hợp thuế quan và các ưu đãi như phê duyệt cấp phép nhanh chóng để thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại Mỹ.

“Chúng tôi sẽ đưa các công ty trở lại Mỹ”, ông Trump nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với tổng biên tập Bloomberg vào tháng 10 năm ngoái. “Chúng tôi sẽ giảm thêm thuế suất cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Mỹ. Chúng tôi sẽ bảo vệ những công ty đó bằng chính sách thuế quan mạnh mẽ”.

Tăng doanh thu cho chính phủ

Doanh thu từ thuế quan có thể giúp chính phủ Mỹ chi trả cho các khoản cắt giảm thuế thu nhập mà ông Trump hứa hẹn. Vị tổng thống đang muốn gia hạn chương trình cắt giảm thuế mà ông phê duyệt vào năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên, vì nhiều khoản mục trong số đó sẽ hết hạn vào cuối năm 2025.

Ông Trump thậm chí còn đề xuất mở rộng phạm vi cắt giảm thuế, chẳng hạn như miễn thuế tiền boa của người lao động. Ông cũng đặt mục tiêu đưa thuế suất doanh nghiệp từ 21% xuống 15%.

Các kế hoạch cắt giảm thuế nói trên dự kiến sẽ khiến chính phủ mất 4.600 tỷ USD trong 10 năm. “Thuế quan có thể dễ dàng lấp đầy cho các mức thuế đó”, ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, chia sẻ với CNBC vào ngày 31/1.

Sử dụng như một công cụ ngoại giao

Trong phiên điều trần để Quốc hội Mỹ phê chuẩn chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Howard Lutnick cho rằng thuế quan là một phương tiện để Mỹ lấy lại sự tôn trọng của thế giới.

Phát biểu trước các thượng nghị sĩ, ông Lutnick cho biết các đồng minh và đối thủ “đang lợi dụng Mỹ và thiếu tôn trọng Mỹ”. Vì vậy, ông muốn chấm dứt tình trạng đó.

Vào ngày 7/3, ông Lutnick giải thích rằng các cuộc đàm phán song phương với Ấn Độ sẽ không chỉ giải quyết chuyện thuế quan mà còn bao gồm cả những vấn đề gai góc hơn như việc quốc gia Nam Á vẫn mua vũ khí của Nga và nỗ lực cùng BRICS lật đổ đồng USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent, ông Trump đã trở nên hoài nghi về các lệnh trừng phạt bởi chúng khiến các nước khác tránh xa đồng bạc xanh. Và ông Trump coi thuế quan là một cách để giành thế thượng phong trong đàm phán.

Chẳng hạn, Mỹ áp thuế hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico là để giải quyết hai vấn đề cấp bách: tình trạng nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn ma túy fentanyl từ hai nước láng giềng vào Mỹ.

Ai trả thuế quan?

Thuế quan do nhà nhập khẩu hoặc bên trung gian thay mặt nhà nhập khẩu trả, mặc dù chi phí thường được chuyển sang phía người tiêu dùng. Ông Trump lại cho rằng về cơ bản, chính nhà xuất khẩu mới là người gánh chịu thuế quan.

Các doanh nghiệp nước ngoài có thể quyết định hạ giá sản phẩm để hỗ trợ nhà nhập khẩu hoặc có thể đầu tư xây dựng nhà máy ở nơi khác để tránh thuế quan.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu - chẳng hạn như Walmart và Target - có thể tăng giá sản phẩm để bảo vệ biên lợi nhuận của mình. Điều đó đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ phải gián tiếp gánh chịu chi phí thuế quan.

Thuế quan có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào?

Rất khó để xác định tác động kinh tế của thuế quan. Thuế quan có thể kích thích thị trường việc làm bằng cách thu hút đầu tư, bởi các công ty sẽ cố gắng lách thuế bằng cách chuyển nhà máy đến quốc gia đánh thuế.

Cùng lúc, việc làm ở các bộ phận khác của nền kinh tế có thể biến mất khi thuế quan buộc những quốc gia bị đánh thuế trả đũa.

Khi một quốc gia áp thuế nhập khẩu, các nhà sản xuất trong nước chưa chắc sẽ nhảy vào để bắt đầu sản xuất các hàng hóa bị ảnh hưởng. Và nếu quốc gia đó không có nguồn cung trong nước để thay thế cho những mặt hàng bị ảnh hưởng, giá của các hàng hóa đó có thể tăng lên.

Tổ chức Budget Lab của Đại học Yale dự đoán thuế quan nói chung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico sẽ khiến chi phí của một hộ gia đình Mỹ tăng thêm 2.000 USD.

Cũng theo phân tích của Budget Lab, thuế quan cũng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại, đặc biệt là nếu các quốc gia khác đáp trả mạnh mẽ.

Yên Khê

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/cho-den-nay-ong-trump-da-ap-bao-nhieu-loai-thue-quan-vi-muc-dich-gi-va-ai-se-dong-thue.html