Chờ doanh nghiệp khai thác đúng cơ hội trước 'làn sóng' chính sách mới
Việc ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển khu vực kinh tế tư nhân và nhiều điều chỉnh về thuế, đầu tư và hỗ trợ, đất đai, quy hoạch, chất lượng sản phẩm, thương mại điện tử…được ví như 'làn sóng' chính sách mới đang chờ đợi các doanh nghiệp khai thác đúng cơ hội. Song song đó, cần giúp cho doanh nghiệp hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định mới để tránh những rủi ro.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, với một “tốc độ nhanh chưa từng có”.
Khởi nguồn nhiều ý tưởng kinh doanh
Ông Tuấn bày tỏ sự ấn tượng với những thay đổi trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, là bước ngoặt về tư duy, không tạo ra sự bất bình đẳng, tạo sân chơi công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế. Người chơi sẽ tự chứng minh năng lực, khả năng của mình.

Trước “làn sóng” chính sách mới, điều kỳ vọng là các DN khai thác đúng cơ hội, khởi nguồn nhiều ý tưởng kinh doanh mới.
Chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã được Quốc hội đưa ra thảo luận hôm 15/5 khi Chính phủ có Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển DN, nhất là cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ về tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, tín dụng và mua sắm công, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp (DN) vừa và lớn, DN tiên phong.
Ngoài ra, vị trưởng ban pháp chế của VCCI còn đề cập đến Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đang thể hiện sự chuyển đổi trong ban hành chính sách, và cùng với Nghị quyết 68 sẽ thấy nếu như trước đây là tháo gỡ các rào cản thì nay phải làm sao tạo lợi thế cho DN.
Theo ông Tuấn, qua tiếp xúc với một số DN thì họ cho biết tinh thần cởi mở của chính sách hiện nay đã hơn rất nhiều. Có DN đã nảy ra một ý tưởng kinh doanh mới mà trước đây ít ai nghĩ tới vì cấm đoán nhiều.
“Rõ ràng tinh thần cởi mở chính sách đã khởi nguồn cho rất nhiều ý tưởng kinh doanh, và nó có thể mở đường cho rất nhiều ngành khác”, ông Tuấn bộc bạch.
Bên cạnh hai nghị quyết 68 và 66, có thể thấy thời gian gần đây ở trong nước đã có nhiều điều chỉnh liên quan đến thuế Giá trị gia tăng, Thu nhập DN, Tiêu thụ đặc biệt, môi trường; Chính sách đầu tư và hỗ trợ DN; Quy định thương mại điện tử, bảo vệ người bán nhỏ lẻ; Cải cách thủ tục đất đai, quy hoạch; Chất lượng sản phẩm…Giới chuyên gia cho rằng đây là một “la bàn pháp lý” giúp DN cập nhật chuẩn xác, điều chỉnh chiến lược và khai thác đúng cơ hội trong “làn sóng” chính sách mới.
Cũng nên nhắc thêm, sau những khó khăn thời gian qua khiến cho nhiều DN phải rút lui khỏi thị trường (tính bình quân trong 4 tháng đầu năm 2025, mỗi tháng có hơn 24,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường) thì trong 4 tháng trở lại đây, cả nước có hơn 89,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 22,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Từ việc gia tăng con số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động như kể trên để thấy việc ban hành, điều chỉnh một loạt chính sách mới là rất cần thiết để cho các DN, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, có thể khai thác đúng các cơ hội được mở ra từ khâu chính sách.
Ngoài ra, đứng ở góc độ của các nhà đầu tư nước ngoài, trong Sách trắng 2025 về các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị được Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) Việt Nam ban hành, có nhận định các sáng kiến gần đây của Chính phủ nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi.
“Bên cạnh đổi mới khung pháp lý – chẳng hạn như sửa đổi gần 30 luật vào năm 2025 và đưa ra khung “một luật sửa nhiều luật” để đơn giản hóa các quy định – Chính phủ đang thực hiện những thay đổi về cấu trúc. Cải cách ở cấp bộ và cấp tỉnh nhằm tinh giản cơ cấu quản trị, nâng cao hiệu quả và giảm tính phức tạp do bộ máy quan liêu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư”, trong Sách Trắng 2025 của EuroCham có nêu rõ.
Nên hiểu đúng và vận dụng đúng
Cũng theo EuroCham, mức độ lạc quan trong dài hạn vẫn tương đối cao, cụ thể, 75% DN trả lời khảo sát dự đoán môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi trong 5 năm tới và cho biết vẫn sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Bên cạnh đó, để giúp cho các DN khai thác đúng cơ hội thì điều quan trọng ở khâu hoạch định chính sách là cần giúp cho họ hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định mới để tránh những rủi ro, cũng như khắc phục một số những vấn đề còn vướng mắc hoặc tiếp tục cần được nghiên cứu để hoàn thiện hơn.
Chẳng hạn như tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, hình thức tiếp cận đất đai với dự án sân golf (một dự án kinh doanh có tính chất đặc thù), theo luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) là vẫn tiếp tục chưa rõ ràng, các địa phương vẫn có cách tiếp cận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong việc thực hiện dự án đầu tư sân golf.
“Việc xác định phương thức tiếp cận đất đai của địa phương có thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất hay không sẽ dẫn đến địa phương có cách tiếp cận khác nhau đối với việc lựa chọn nhà đầu tư dự án sân golf”, ông Tuấn băn khoăn.
Do đó, vị luật sư này đề xuất cần làm rõ cơ chế, phương thức lựa chọn nhà đầu tư dự án sân golf (đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay chấp thuận chủ trương đầu tư) và cơ chế tiếp cận đất đai.
Hoặc như Luật số 57/2024/QH15 (có hiệu lực từ 15/1/2025), theo Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chi nhánh TP.HCM, đây là một đạo luật sửa đổi, bổ sung bốn luật quan trọng của hoạt động đầu tư kinh doanh, nên việc cập nhật thông tin, hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định mới là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng DN.
“Các thay đổi của Luật 57/2024/QH15 tuy mang lại nhiều cải cách tích cực, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi DN cần chủ động nắm bắt thông tin và rà soát hoạt động kinh doanh”, ông Bắc nói.
Theo khuyến nghị của vị phó giám đốc VIAC chi nhánh TP.HCM, các DN – đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước – cần chủ động rà soát, cập nhật những thay đổi của pháp luật, đồng thời cân nhắc các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả nhằm kiểm soát rủi ro và bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong bối cảnh pháp lý đang chuyển động mạnh mẽ như hiện nay. Và mong rằng các DN nên có một góc nhìn sâu sắc, hiểu đúng, đủ những quy định mới để chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh, đầu tư phù hợp.