Chờ doanh nghiệp Việt kéo sức mua cuối năm với 'đòn bẩy' trực tuyến
Trong lúc sức mua tại các cửa hàng truyền thống giảm sâu, người tiêu dùng chưa thật sự nới lỏng chi tiêu thì sức tăng trưởng của bán hàng trực tuyến vẫn 'nóng'. Điều này rất cần các doanh nghiệp Việt lưu tâm để kéo sức mua vào thời điểm cuối năm này từ 'đòn bẩy' trực tuyến, nhất là thu hút người mua vào các hoạt động trải nghiệm mua sắm mới trên nền tảng trực tuyến và công nghệ số.
Nói về tình hình tiêu dùng vào thời điểm cuối năm này, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu chưa thực sự rõ rệt dù cho người tiêu dùng lạc quan hơn cho dịp Tết 2024 sắp đến.
Thu hút trải nghiệm mua sắm mới
Như chia sẻ của bà Nga, tại Việt Nam hiện có 25% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tình hình tài chính. Không những vậy, có 53% các hộ gia đình cho biết tình hình tài chính sẽ tương tự hoặc tệ hơn trong 12 tháng tới.
Theo vị giám đốc này, khuynh hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu vẫn dễ nhận thấy ở người tiêu dùng trong nước hiện nay. Hành vi mua sắm của họ đã thay đổi, sống tiết kiệm hơn. Nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng càng xem xét lại mức độ quan trọng của hàng hóa đối với gia đình và có xu hướng ưu tiên những sản phẩm mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày của họ hơn.
“Người tiêu dùng có thể sẽ không cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết, tuy nhiên họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn. Những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển của công nghệ như thương mại điện tử (TMĐT) được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong dịp Tết sắp tới”, bà Nga nói.
Từ nhận định của bà Nga về khả năng phát triển mạnh của TMĐT vào dịp cuối năm, cũng cần thấy rằng dù sức mua giảm sâu trong thời gian qua nhưng TMĐT vẫn tăng trưởng “nóng” khi mà xu hướng của người tiêu dùng đang lựa chọn mua sắm trực tuyến (online) thay vì trực tiếp đến cửa hàng.
Như số liệu khảo sát mới nhất của của Bộ Công Thương, đó là TMĐT ở Việt Nam sẽ vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2023 với tổng giá trị hàng hóa (GMV) có thể đạt 20,5 tỷ USD. Không chỉ vậy, theo dự báo, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực TMĐT.
Điều này cũng có thể thấy rõ ở các sản phẩm OCOP đã tăng sức mua, mở rộng thị trường nhờ thúc đẩy cách thức quảng bá trực tuyến để bán hàng trong thời gian gần đây.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nếu như trước đây làm truyền thông làm hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP, mỗi ngày 1 vạn, 3 ngày 3 vạn người là nhiều, nay trong các buổi livestream (hình thức phát trực tiếp bằng cách quay video trên các nền tảng mạng xã hội) thì có khi một buổi số người xem lên đến 3 vạn. Hashtag (một loại thẻ siêu dữ liệu được sử dụng rộng rãi trên các trang mạng xã hội) #Ocop khi mới đưa ra không có mấy người xem, nhưng hiện đã có đến 1,1 tỷ người click.
Khi mà hiệu ứng của TMĐT và công nghệ trực tuyến đang tạo sức bật cho ngành bán lẻ thì việc kéo sức mua cuối năm từ lĩnh vực này là rất cần thiết, bằng cách thu hút người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động trải nghiệm TMĐT và công nghệ số. Chẳng hạn như từ ngày 27/11 đã bắt đầu diễn ra Tuần lễ TMĐT quốc gia (Online Friday 2023) thu hút 3.000 doanh nghiệp (DN) tham gia với trên 300.000 mặt hàng, sản phẩm, mã giảm giá.
Sự kiện này (sẽ diễn ra đến ngày 2/12) có sự tham gia của các DN trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Tiktok Shop, Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Thegioididong, Oppo, Nagakawa, Sunhouse…
Lựa chọn tối ưu cho các nhãn hàng
Hoặc như trong tháng 11/2023 Tập đoàn Kido đã phối hợp cùng TikTok Việt Nam khởi động dự án Entertainment & Ecommerce (E2E), kênh mua sắm xúc tiến thương mại kết hợp giải trí đầu tiên trên nền tảng social (xã hội).
Theo đó, E2E sẽ đăng tải những video review thời trang, ẩm thực, trải nghiệm sản phẩm…để các nhãn hàng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị (marketing) nhằm tiếp cận lượng lớn khách hàng, thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng với chi phí thấp.
Phía Kido kỳ vọng việc đầu tư vào kênh E2E trên TikTok không chỉ giúp cho các nhãn hàng đang thuê mặt bằng tại hai trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall, Hùng Vương Plaza của Kido mà còn cho các DN vừa và nhỏ muốn tiếp cận lượng lớn người tiêu dùng.
Ngoài những động thái như vậy, nói về tình hình thực tế trên thị trường bán hàng trực tuyến vào thời điểm cuối năm hiện nay, ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs), Tổng giám đốc Công ty TNHH 108 Gaming (công ty chuyên đào tạo các streamer, Youtuber) nhận định, giá trị mà KOC (người tiêu dùng chủ chốt) mang lại cho nhãn hàng luôn là những con số doanh thu cụ thể và nhanh chóng.
“Thời gian gần đây tôi có hơn 20 phiên livestream (hình thức phát trực tiếp bằng cách quay video trên các nền tảng mạng xã hội) trong vai trò KOC. Và trong buổi livestream gần nhất, chỉ sau 30 phút đã có thể chốt doanh thu cho nhãn hàng ở mức gần 2 tỷ đồng”, ông Hoàng nói.
Chính vì vậy, theo vị Tổng giám đốc này, rõ ràng đây là “sức mạnh” của KOC trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và là một trong những lựa chọn tối ưu dành cho các nhãn hàng.
Chia sẻ tại Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMO Summit năm 2023 diễn ra ở Tp.HCM mới đây, giới chuyên gia cho rằng với bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tối ưu chi phí và đạt doanh số thực tế mới là điều quan trọng nhất của DN, còn người tiêu dùng lại đặt nặng về giá cả, do đó KOC trở thành kênh trung gian có thể đáp ứng các mong muốn đó.
Tuy nhiên, các DN cũng cần nhận thức được việc KOC không “thần thánh hóa” được doanh thu, họ cũng có những hạn chế nhất định và nhãn hàng nên thận trọng trong việc chọn lựa những KOC phù hợp.
Bên cạnh đó, để cải thiện sức mua, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT, nhấn mạnh khi công nghệ, nhất là Trí tuệ nhân tạo (AI) càng phát triển thì đòi hỏi các DN càng cần bán hàng một cách nhân bản hơn. Trong đó, việc siêu cá thể hóa đến từng khách hàng là yếu tố quyết định, là xu thế bán hàng và marketing trong thời gian tới.
Ông Tiến cũng chỉ rõ có những DN thường hài lòng với hiện tại và chỉ nghĩ đến thay đổi khi khó khăn, khủng hoảng. Đây cũng là lý do khiến nhiều DN lớn đã sụp đổ bởi vì ở đó có những nhà lãnh đạo không dám thay đổi.
Cho nên điều quan trọng trước mắt để kéo sức mua vào thời điểm cuối năm này là các DN Việt phải hiểu về ứng dụng công nghệ số, thứ hai là hiểu sâu sắc về người tiêu dùng trong lúc này, và thứ ba phải hiểu được AI sẽ giúp được gì vào việc thúc đẩy người tiêu dùng tăng mua sắm sản phẩm của họ trong thời gian tới.