Chợ miền núi không chỉ là nơi kinh doanh mà còn phải mang đậm văn hóa vùng miền!

Chuyên gia Vũ Vinh Phú đã có những trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về giải pháp phát triển chợ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thưa ông, ông đánh giá gì về công tác phát triển hạ tầng chợ ở các địa phương vùng miền núi, dân tộc thời gian qua?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương, tình hình phát triển chợ để thúc đẩy sản xuất và giao lưu hàng hóa 2 chiều giữa đồng bào miền núi và miền xuôi có sự tiến bộ. Đi theo sự phát triển của chợ là vấn đề hạ tầng cơ sở, thúc đẩy tính sáng tạo trong kinh doanh của bà con khu vực này. Chợ còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Đồng thời là nơi chúng ta phát triển, lan tỏa Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sau 13 năm triển khai. Hàng Việt hầu hết là hàng hóa thiết yếu nên người dân rất phấn khởi khi có hàng hóa Việt để mua sắm tại chợ.

Đặc biệt, việc phát triển hệ thống phân phối, trong đó có chợ đã giúp hiện đại hóa phương thức kinh doanh, bán hàng của bà con. Trong thời đại công nghệ 4.0, không chỉ người dân đồng bằng mà bà con dân tộc cũng đã biết dùng smartphone để bán hàng hóa. Các sản phẩm như OCOP, sản phẩm đặc sản của khu vực này đã có cơ hội tìm được đầu ra ổn định hơn.

Tuy nhiên, hệ thống phân phối của Việt Nam nói chung và chợ ở khu vực miền núi, vùng dân tộc nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế bởi qua quá nhiều trung gian, chi phí cao và không đi thẳng từ sản xuất. Điều này khiến giá bán hàng hóa bị đội lên, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến sức mua của bà con khu vực này.

Theo phản ánh từ các địa phương thì hiện nay việc thu hút đầu tư phát triển chợ, đặc biệt là chợ khu vực miền núi còn nhiều khó khăn. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Tại sao hiện nay lại có ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào phát triển chợ ở khu vực miền núi? Điều này có nguyên nhân ở chỗ việc đầu tư chợ không mang lại hiệu quả ngay và hiệu quả ở mức thấp nếu so với các hình thức đầu tư khác. Điều này khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào hình thức kinh doanh này.

Bên cạnh đó, hiện những chính sách của các địa phương cũng chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp, ví dụ như thiếu chính sách ưu đãi về thuế phí cho doanh nghiệp. Cho nên tôi nghĩ rằng để thu hút đầu tư vào chợ thì cần giảm thuế, phí trong một thời gian nhất định để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thêm nữa, hiện chi phí vận chuyển hàng hóa vào chợ miền núi còn cao nên hàng hóa khó có thể cạnh tranh được, nhất là ở các khu chợ biên giới, nơi hàng nhái hàng giả có cơ hội tràn vào. Do đó, phải làm thật tốt công tác phòng chống hàng nhái hàng giả tại khu vực này để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời động viên doanh nghiệp bán hàng ở đây.

Cuối cùng, phải xây dựng văn hóa chợ bền vững, xây dựng thương hiệu chợ bền vững. Chợ không phải chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao lưu, kết nối xúc tiến thương mại, thậm chí là mang đậm văn hóa của vùng miền. Một ví dụ chúng ta có thể thấy là ở những khu chợ lâu năm như Chợ Đồng Xuân, Đông Ba, chợ Rồng… là những điểm chợ rất phát triển và thậm chí du khách rất thích thú đến đây mua sắm vì nó kết tinh rất nhiều văn hóa của cả một vùng miền.

Các khu chợ phải kết kinh văn hóa của một vùng

Các khu chợ phải kết kinh văn hóa của một vùng

Các khu chợ miền núi, vùng dân tộc có vai trò rất lớn trong thúc đẩy giao thương. Ông có khuyến nghị gì với công tác đầu tư chợ để hình thức phân phối này phát triển hơn trong thời gian tới?

Thứ nhất phải khẳng định chợ ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là khu vực biên giới hải đảo là rất quan trọng vì không chỉ tác động đến vấn đề kinh tế của cả một vùng mà còn là câu chuyện chính trị của đất nước.

Cho nên chúng ta phải giải quyết vấn đề nhận thức về xây dựng và phát triển chợ. Chợ là nơi tiêu thụ hàng hóa phù hợp với tập quán của bà con. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng hàng hóa và chất lượng phục vụ, và phải giữ lại những nét văn hóa tập quán của bà con.

Ở các địa phương phải có các ban chỉ đạo phát triển chợ, từ quy hoạch, cắm chợ ở đâu. Chợ phải gần dân, hiểu được xu hướng tiêu dùng của dân để đầu tư xây dựng. Ta đã có nguồn hàng dồi dào, rất nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP chất lượng nhưng đầu ra lại khá bấp bênh. Vậy thì chợ phải giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề logistics, giao nhận hàng hóa để rút ngắn thời gian giao hàng, áp dụng công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa.

Đặc biệt, ở khu vực miền núi, thu nhập của bà con còn thấp nên cần quan tâm đến việc cải thiện đời sống của bà con để cải thiện sức mua. Đồng thời, cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề phòng chống hàng nhái hàng giả để bà con được sử dụng hàng chính hãng, có chất lượng; và doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể tiêu thụ được hàng hóa ở khu vực này – là khu vực bà con thực sự có nhu cầu về hàng chính hãng.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cho-mien-nui-khong-chi-la-noi-kinh-doanh-ma-con-phai-mang-dam-van-hoa-vung-mien-258649.html