Chờ mong một 'làn gió mới' cho thể thao, nghệ thuật học đường

Giáo dục toàn diện là phương pháp không chỉ tập trung vào kiến thức văn hóa mà còn cả các kỹ năng sống, tư duy sáng tạo, nâng cao thể chất, năng khiếu cho các em nhỏ. Và câu chuyện giáo dục toàn diện cho học sinh hiện nay đang được kỳ vọng sẽ có những đổi thay sau ý kiến 'gợi mở' của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đầu tháng 5, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Hôm trước làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi nói học hai buổi. Buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác. Các đồng chí nói bây giờ phải cần thêm cả trăm nghìn giáo viên, cái này không được máy móc. Dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, hợp đồng luôn. Thể dục thể thao cũng như thế thôi, mời VĐV. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ”.

Và Tổng Bí thư khẳng định: “Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ”. Ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm sau khi được các cơ quan truyền thông, báo chí đưa tin đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân.

Có một thực tế, chương trình học của học sinh ở các trường học, cấp học hiện nay vẫn nặng về các kiến thức sách vở, ít chú trọng việc hướng dẫn, dạy các kỹ năng sống, tư duy sáng tạo, nâng cao thể chất, năng khiếu... Chúng ta vẫn xem những kỹ năng, chương trình, môn học đó là “môn phụ”.

Thực tế đó dẫn đến việc, các em học sinh có thể giỏi trong việc nắm bắt kiến thức sách vở nhưng lại thiếu và yếu các kỹ năng sống. Tỷ lệ học sinh biết bơi, biết chơi các loại nhạc cụ, biết vẽ trong nhà trường... thực sự chưa cao.

Và ý kiến của Tổng Bí thư về việc mời ca sĩ, nghệ sĩ giỏi dạy nhạc, mời VĐV dạy thể dục, thể thao trong nhà trường, hay mời họa sĩ dạy vẽ... là sự gợi mở vừa để “tháo khó” cho bài toán thiếu giáo viên của các nhà trường, cũng đồng thời để nâng cao chất lượng của các giờ học.

Hơn ai hết, các ca sĩ, nghệ sĩ, VĐV, họa sĩ là những người vừa có kiến thức chuyên môn, vừa dày dạn kinh nghiệm “thực chiến”. Và với những thành tích đạt được, họ có thể còn là người “gieo” niềm cảm hứng học tập cho học sinh.

Hãy tưởng tượng, đến một ngày, các em học sinh trong trường được học với “huyền thoại” Taekwondo Nguyễn Văn Hùng, VĐV bơi, lặn Phạm Thị Vân...; Hay khi các nghệ sĩ, ca sĩ, họa sĩ chuyên nghiệp đứng lớp truyền dạy về nghệ thuật... những giờ học sẽ thực sự thú vị, hấp dẫn hơn rất nhiều.

Chưa kể, nếu việc mời các VĐV, nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp đứng lớp dạy cho học sinh ở các trường học được triển khai thực hiện còn có thể “sử dụng” hiệu quả tài năng của các VĐV, nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Thực tế hiện nay, chúng ta không thiếu các VĐV, nghệ sĩ tài năng có nhiều thành tích trong sự nghiệp, họ thậm chí còn là các nhà vô địch trong các giải đấu quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên các VĐV, nghệ sĩ chuyên nghiệp sau khi bước qua đỉnh cao sự nghiệp, họ cũng phải đối mặt với câu chuyện mưu sinh. Vậy nên, khi các VĐV, nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể đứng lớp trong các trường học để giảng dạy thì đó sẽ là sự kết hợp mà hiệu quả “lợi cả đôi đường”.

Khánh Xuân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cho-mong-mot-lan-gio-moi-cho-the-thao-nghe-thuat-hoc-duong-37187.htm