Chớ nên lạm dụng từ 'mạnh thường quân'!

Thời gian gần đây, trong báo cáo của các cơ quan, tổ chức, thậm chí trong các bài phát biểu của lãnh đạo thường sử dụng khá nhiều từ 'mạnh thường quân'. Trong khi các từ đồng nghĩa của tiếng Việt như 'nhà hảo tâm', 'nhà tài trợ', 'nhà từ thiện' thì đang bị loại dần. Khác biệt cơ bản nhất là những người Việt làm việc thiện nguyện, giúp người mà không mong người được giúp báo đáp; còn Mạnh Thường Quân giúp người là để mua chuộc lòng người, phát huy thanh thế.

Những người làm hoạt động thiện nguyện được gọi là nhà hảo tâm, nhà tài trợ, nhà từ thiện,... (Ảnh minh họa: Ngọc Mận)

Những người làm hoạt động thiện nguyện được gọi là nhà hảo tâm, nhà tài trợ, nhà từ thiện,... (Ảnh minh họa: Ngọc Mận)

Mạnh thường quân là ai?

Mạnh Thường Quân là một nhân vật lịch sử của Trung Quốc, tên thật là Điền Văn (?- 279 TCN), con trai của Tịch Quách Quân (tức Điền Anh), cháu của Tề Uy vương. Vì là con cháu nhà vua nên cả hai cha con đều được phong tước, phong ấp Tiết Địa và đều làm đến chức Tể tướng nước Tề thời Chiến quốc. Ông khéo léo dùng tài sản trong nhà một cách hữu ích nhất vào việc thu hút thực khách mua chuộc lòng người để gây thế lực nên trong nhà lúc nào cũng có cả ngàn thực khách. Phàm ai đến với ông cũng đều được giữ lại cung phụng ăn uống. Tề Mẫn vương từng nghi ngờ Mạnh Thường Quân thanh thế quá lớn, uy hiếp địa vị của mình nên quyết định thu hồi tướng ấn, cách chức Mạnh Thường Quân trở về đất phong của mình.

Trong suy nghĩ của một số người, từ “mạnh thường quân” chỉ những người hào hiệp, hảo tâm, sẵn sàng quyên góp tiền để làm từ thiện. Tuy nhiên, ông chỉ dùng tiền để nuôi kẻ sĩ, môn hạ nhằm củng cố quyền lực, địa vị, danh tiếng nên dùng “mạnh thường quân” để chỉ những nhà từ thiện là không chính xác.

1.000 năm đô hộ giặc Tàu nên từ “mạnh thường quân” trở thành một điển (điển là một chữ hoặc một câu có ám chỉ một người, một vật, một lời nói, một sự tích xưa, khiến cho người xem phải nhớ đến người ấy, lời ấy hoặc việc ấy), dần dần điển bị “từ hóa” (tức đánh mất dần tư cách điển để trở thành từ), được sử dụng như những từ bình thường. Và “mạnh thường quân” là một điển được “từ hóa” như vậy.

Vì bị “từ hóa”, điển “mạnh thường quân” bị nhiều người nhầm là một từ bình thường (cụ thể là một danh từ chung), do đó, không viết hoa. Như vậy, viết “mạnh thường quân” là không đúng chính tả tiếng Việt (danh từ). Thực tế, nhiều người sử dụng danh từ này như một thói quen mà không hề hiểu ý nghĩa của nó. Hơn nữa, việc mượn điển tích làm từ như vậy đến nay có thể nói là không còn phù hợp với tâm thức văn hóa người Việt.

Hãy dùng tiếng Việt chuẩn mực, tinh tế,...

Ở góc độ tôn vinh văn hóa Việt, tiếng Việt, việc vay mượn, sử dụng điển tích của những nền văn hóa khác cần phù hợp với tâm thức văn hóa - thẩm mỹ của cộng đồng. Không lý gì ta lại dùng một điển ngoại lai cũ kỹ, xa lắc bên Tàu (gắn với câu chuyện ở nước Tàu, của người Tàu hơn 2.300 năm trước), trong khi tiếng Việt không thiếu những từ, cách diễn đạt tương đương, rõ nghĩa như những nhà hảo tâm, nhà từ thiện, nhà tài trợ,... Là người Việt, chúng ta nên dùng những điển cố trong sử ta, trong thơ văn xưa và tục ngữ của nước ta, không nên chuyên dùng những điển tích ở sách Tàu vì có khi làm cho khó hiểu.

Chống lai căng ngôn ngữ, lạm dụng điển tích là vun bồi tình yêu tiếng Việt “đẹp và rất giàu”, là học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ trong việc giữ gìn sự trong sáng, phát triển và làm giàu tiếng Việt. Bác Hồ có 30 năm sống ở nước ngoài, đi qua 54 nước, thông thạo 12 ngôn ngữ chính, thế mà vẫn dùng tiếng Việt một cách chuẩn mực, tinh tế, trong sáng, ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, đậm đà hương vị ca dao, dân ca, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ.

Bác Hồ từng căn dặn: “Các chú còn hay mắc cái tật nói chữ nhiều. Người ốm các chú gọi là “bệnh nhân”. Làm bệnh nhân thì oai hơn người ốm có phải không? Giúp đỡ thì các chú không thích bằng “tương trợ”. Hình như các chú tương trợ Bác thì quan trọng hơn là giúp đỡ Bác! Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta nhưng không nên vay mượn lu bù để lòe thiên hạ. Ngày xưa, ta còn bị thực dân cai trị, có những người không thạo tiếng mẹ đẻ, nói năng chẳng ai hiểu gì, lại cho mình là tri thức cao. Bây giờ ta độc lập rồi, đừng nên bắt chước những thói xấu của thời nô lệ. Ta là cán bộ cách mạng, ta nói và viết cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói cái gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được”./.

Cựu chiến binh Long An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cho-nen-lam-dung-tu-manh-thuong-quan--a171683.html