Chờ người trong ánh Xuân về
Tết đã qua rồi, cây đào cội đầu lối về bản đã bật những nụ mầm xam xám đất. Nắng Xuân chưa đủ xua đi cái lạnh miền núi đá, chỉ đủ độ làm cho những hạt sương không đông kết thành những hạt đá trắng như băng. Những hạt sương đêm đọng lại, đậu hờ trên lớp lông nụ mầm nơi đầu cành, bắt nắng Xuân, anh ánh sắc cầu vồng. Mỷ ra gốc cây đào cội nhìn về phía dưới chân núi, bên bìa rừng, nơi sắc cờ ngạo nghễ bay trong gió, nơi thầy giáo Biên phòng ở đó.
Bản Mỷ xa lắm, ở lưng chừng núi. Muốn xuống được chỗ có sắc cờ, phải đi qua bốn ngọn núi, chục con suối. Trước kia, bản Mỷ nghèo, nghèo lắm. Tộc người La Hủ của Mỷ quanh năm đi vòng quanh núi tìm khoảng đất trống, chặt cây, phát cành, dựng lều. Đợi lá vàng, đốt lá lấy màu rồi gieo hạt. Gieo xong lại đi tìm khoảnh đất khác. Lại chặt cây dựng lều, đốt lá, gieo hạt. Cứ thế, luân chuyển từ khoảnh đất này sang khoảnh đất khác để tìm đất trồng cây, gieo hạt. Bao giờ tính đến mùa lúa chín, tìm về lại khoảnh đất đã phạt cây, gieo hạt để thu hoạch. Mưa nắng, đất bạc, trôi màu, củ sắn, bắp ngô chỉ to bằng cán dao, bông lúa èo uột có vài ba hạt bám đầu bông.
Cả cuộc đời tộc người La Hủ của Mỷ là những chuyến đi như một vòng luẩn quẩn quanh sườn núi, trong những cánh rừng già hoang sơ và ẩm mục. Cái đói đi theo mỗi bước chân người. Lũ trẻ của bản theo bố mẹ di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, cái lều nhặt từ cây phát quang khoảnh đất gieo trồng, dựng lán tránh nắng, lá úa vàng, lại đi. Đói, rét, quanh năm kiếm cái ăn, cả bản không ai biết cái chữ, không ai bước ra khỏi mấy ngọn núi trong dãy U Ma Tu Khoòng. Tộc La Hủ của Mỷ lầm lũi như con chồn, con cáo, lẩn khuất trong sắc đá.
Thế rồi, từ ngày có BĐBP về dựng bản. Bản người La Hủ của Mỷ hạ sơn. Bộ đội làm nhà, phát cây làm nương. Bản La Hủ của Mỷ có tên, không còn lang thang, ngày tránh trong những túp lều dựng tạm từ cành cây, đêm lạnh không còn ôm nhau ngồi quanh đống lửa. Cái ăn không còn phải lo, chỗ ngủ không còn chịu lạnh, lũ trẻ của bản đã được bộ đội dạy cho biết chữ, biết viết, biết đọc, biết nói tiếng phổ thông.
Mỷ nhớ lắm. Mỷ nhớ ngày đầu đi học. Thầy giáo Biên phòng, ngày cùng mọi người trong bản lên nương, trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Đêm về, dưới ánh sáng điện từ chiếc máy phát dưới suối truyền lên, bộ đội dạy cho mọi người hát bài “Tiến quân ca”. Cái lưỡi ít nói, cứng như mỏ chim, nay học tiếng phổ thông, có câu hát “đoàn quân Việt Nam đi” học ba đêm phát âm vẫn còn chưa rõ.
Cứ thế, một ngày, hai ngày rồi một tuần, hai tuần, mỗi ngày qua đi, người bản của Mỷ lại biết thêm nhiều cái mới. Tiếng nói chưa sõi, nhưng cái lưỡi không còn cứng như mỏ con chim. Bàn tay đã biết làm nhiều thứ, biết trồng nhiều loại cây cho bữa ăn không còn phải vào rừng nhặt, hái. Lũ trẻ đã biết viết, biết đọc, biết nói tiếng phổ thông. Bản La Hủ của Mỷ đã ấm từng ngọn khói mỗi sáng, trưa, chiều. Tối tối, già bản đã có dịp kể con cháu nghe về dân tộc, về tộc người bao năm qua vùi sâu trong ký ức vì mưu sinh.
Khi cây đào cội đầu bản bắt đầu ra hoa, ấy là báo Tết đến, Xuân về. Bộ đội nói, bản năm nay sẽ tự tổ chức đón Tết, vui Xuân. Bộ đội về đồn, sau Tết sẽ lên. Bản năm nay đón Tết vẫn vui, nhưng người bản vẫn ngóng về phía có lá cờ đỏ sao vàng phía dưới chân núi. Bánh ngô, hũ rượu bản vẫn để phần bộ đội. Điệu múa “Nhớ ơn Đảng” bộ đội dạy lũ trẻ giờ tay đã dẻo đợi bộ đội về múa cho bộ đội xem. Trong câu chuyện đêm đêm già làng kể có hình ảnh và câu chuyện về Bộ đội Biên phòng về dựng bản, làm nhà, lên nương, dạy học.
Bản chờ bộ đội trong ánh Xuân về. Bộ đội có thấy máy mắt, hắt hơi không? Bản nhắc tên bộ đội nhiều nhiều lắm đấy.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cho-nguoi-trong-anh-xuan-ve-post486221.html