Cho những điều lớn lao ở lại

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhắn nhủ tân sinh viên - những thầy cô tương lai, trong lễ khai giảng vừa qua: 'Các em hãy rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, đừng khoác cho trẻ những hào quang không phải của chúng vì sẽ thành ảo tưởng về sau này'…

Còn đó những thầy cô vùng cao, miệt mài gieo con chữ. Ảnh NVCC.

Còn đó những thầy cô vùng cao, miệt mài gieo con chữ. Ảnh NVCC.

Đừng khoác cho trẻ những hào quang ảo

Chia sẻ với các tân sinh viên khóa 73, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Thầy biết các em vẫn đang nghe, đang chứng kiến, đang đối diện với những khó khăn, nhọc nhằn của nghề giáo và cả những cách nhìn nhận đa chiều, trong đó có cả những cách nhìn tiêu cực. Dẫu rằng, số đông thầy cô đang thầm lặng hi sinh và làm tốt bổn phận thiêng liêng của họ.

Giữa những tác động của thời cuộc, giữa những thực tại với nhiều trăn trở, lo toan; giữa những nốt trầm đang vang xa trong tâm tưởng mỗi người, có cả những âm vang của bi quan, chán nản… Tất cả đó sẽ dội vào tâm tư các em, có thể nó bào mòn niềm tin trong sáng của các em.

Nhưng thử hỏi chỉ ngồi kêu ca, ngồi làm anh hùng bàn phím sẽ được gì hơn? Có bớt đi đói nghèo được chút nào không? Sao không nghĩ và làm một việc tốt hơn, chí ít cũng có ích cho chính mình. Ngồi mà phán dễ lắm, sao không nghĩ cách làm? Rồi không chỉ có vậy, đem cái u uất, bi quan đó đi gieo vào trong lòng người khác, khiến họ thêm vơi bớt niềm tin. Thầy mong rằng, mỗi em, trước hết tạo cho chính mình niềm tin chân chính”. Theo GS Minh, đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao một cách đơn thuần. Đại học là nơi sản sinh ra tri thức mới và giá trị mới và người tạo ra nó không ai khác chính là các sinh viên.

Vị Hiệu trưởng cũng bày tỏ mong muốn các sinh viên sư phạm hãy hướng đến một nền giáo dục bình đẳng và trung thực. “Chúng ta đã làm được không ít việc trong giáo dục, đây là điều đáng mừng nhưng các mảng màu đa sắc đó không phải đều tươi mới như nhau. Các em hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này. Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau”, GS Minh phân tích. Theo GS Minh, mỗi đứa trẻ là một tài năng riêng có. Người thầy cô hãy vì tài năng đó mà nhân lên, đừng khoác lên cho trẻ những hào quang không phải của chúng, vì sẽ thành ảo tưởng trong tương lai. Mỗi nhà trường là một ngôi nhà đầy ắp yêu thương để trẻ em muốn đến. Nơi đây cũng là nơi để thầy cô cảm thấy hài lòng. Làm tốt điều đó mà được khen thì mừng quá, nhưng xin đừng chỉ vì những bằng khen mà giấu giếm và “thổi phồng”, nghiệt ngã với nhau. Mong rằng, đừng làm biến tướng bản chất tốt đẹp của thi đua... Đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh và đừng coi trường học là nơi phụ huynh phó mặc con mình cho thầy, cô giáo.

Theo GS Minh, chính người lớn có lúc đã tước mất quyền vô tư con trẻ. “Trẻ phải được vui chơi, được học hành và được chăm sóc. Ở thành phố, giờ học kín đến không còn thời gian để ý xung quanh, rồi mẹ cha trách con cái vô tâm. Ở những nơi khó khăn thì trẻ lam lũ cùng với mẹ cha để kiếm miếng cơm manh áo mỗi ngày, biết mấy điều chỉ những giờ lên lớp. Mong rằng mỗi chúng ta, các bậc phụ huynh, cả xã hội cùng nhau ngẫm nghĩ điều này. Và thầy trò chúng ta có dám dấn thân cho điều đó hay không?”… Vị Hiệu trưởng bày tỏ niềm tin vào một thế hệ mới, nghĩ tươi mới hơn và để rồi tương lai sẽ làm tốt hơn…

Cần tôn trọng vẻ đẹp của tri thức

Hoa hậu Lương Thùy Linh đã trao tặng quà cho các thầy cô giáo và các em học sinh tại Hòa Bình, trong khuoon khổ chương trình Chia sẻ cùng thầy cô. Ảnh T.U Đoàn.

Hoa hậu Lương Thùy Linh đã trao tặng quà cho các thầy cô giáo và các em học sinh tại Hòa Bình, trong khuoon khổ chương trình Chia sẻ cùng thầy cô. Ảnh T.U Đoàn.

Từng trải qua năm tháng học sinh, sinh viên và tham gia công tác giảng dạy trong ngành Giáo dục, khi được hỏi về việc “Thế nào là một trường học hạnh phúc”, PGS.TS. Trần Thành Nam và Hoa hậu Lương Thùy Linh đều chung một quan điểm: trường học hạnh phúc là ngôi trường có cơ sở vật chất tốt, bảo đảm cho học sinh theo học, phát huy hết khả năng.

Về tinh thần, đó là một ngôi trường mà tất cả mọi người, từ học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại trường và cả cha mẹ học sinh đều cảm thấy được yêu thương, an toàn, tôn trọng và thấy mình có giá trị, được ghi nhận những nỗ lực của bản thân.

Riêng với học sinh, PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, mỗi em đều là một cá thể riêng biệt, có năng khiếu, ước mơ và suy nghĩ khác nhau. Trường học và thầy cô phải khơi dậy, phát huy tiềm năng của mỗi em. Tôn trọng suy nghĩ và ước mơ, giúp các em được bộc lộ cá tính, tôn trọng sự khác biệt và đối xử công bằng. Theo đó, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không chỉ có đơn thuần là ghi nhớ, mất cảm hứng và xúc cảm trong học tập. Cần thay đổi cách tiếp cận với học sinh từ việc trẻ làm sai cho tới việc động viên, khích lệ, dành thời gian gần gũi, giao lưu với học sinh.

Đồng thời, gia đình và nhà trường cần chung tay để đẩy lùi bạo lực học đường. Bởi lẽ, bạo lực học đường hiện tại còn phát triển trên không gian mạng. Khi mà có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường. Thậm chí, những bạn từng là nạn nhân của bạo lực học đường lại trở thành người tiếp tục bắt nạt người khác.

Do đó, cộng đồng cần có những nhìn nhận rộng hơn về “thủ phạm” của bạo lực học đường. Bản thân mỗi bạn học sinh cũng có ý thức tự bảo vệ chính mình, có bạn thân để chia sẻ những vấn đề gặp phải trong quá trình tới trường, tới lớp.

Một trong những điều đầu tiên mà PGS.TS Trần Thành Nam nhắn gửi tới những người trẻ chính là để học tập trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc, chúng ta cần phải tôn trọng giá trị và vẻ đẹp của tri thức chứ không phải học vì kỳ vọng của bất cứ ai hay vì chạy theo thành tích.

Trong hành trình theo đuổi tri thức, chúng ta cần phải học cách thay đổi một số thói quen. Trước hết, phải dám thừa nhận “Tôi không biết”, bởi chỉ khi dũng cảm đối diện với cái còn yếu kém, ta mới có cơ hội được lĩnh hội kiến thức và từ đó phát triển.

Giáo dục hiện đại không chỉ gói gọi trong 4 bức tường, không chỉ được truyền đạt bởi một người gọi là thầy giáo có bằng cấp. Muốn trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta cần phải học từ mọi điều trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có thể là người thầy. Học tập cần phải kết nối với tri thức, cuộc sống. Mục tiêu của việc học không chỉ là lý thuyết mà còn biến tri thức trở thành giá trị và ứng dụng và tạo ra sản phẩm, lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng.

Từ cây cầu Hai Cô đến ước mơ con đường liên xã

Trước nhiều sự việc đau lòng vẫn diễn ra đâu đó trong tình thầy trò, chúng ta thường đổ lỗi cho mặt trái của cơ chế thị trường. Thế nhưng, chúng ta cũng quên rằng sự giáo dục bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ là người thầy đầu tiên. Nhiều ý kiến cho rằng, nhìn một cách khách quan, chính phụ huynh làm cho tính “tôn sư trọng đạo” bị biến đổi, bị xô lệch, méo mó. Vào trường chuyên lớp chọn, xin nâng điểm, làm đẹp học bạ là do phụ huynh tìm mọi cách để đạt mục tiêu. Cần có những cải cách triệt để chấn hưng giáo dục, giữ gìn “tôn sư trọng đạo”. Chế độ thi cử phải khoa học, khách quan, công bằng chọn được người giỏi thì sự học cũng biến chuyển tích cực theo. Chế độ lương của thầy cô cũng cần phải bảo đảm sống được bằng lao động sư phạm thì phong bao, chạy chọt, gian lận bị chối từ.

Trong khi ở thành phố, sự học và sự dạy có nhiều thuận lợi thì ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều thầy cô cắm bản, đứng lớp ở những điểm trường xa xôi, hẻo lánh. Ở Tả Phời - Lào Cai có cầu Hai Cô, nơi hai cô giáo vượt suối mùa lũ đến lớp dạy chữ cho học sinh người Dao. Lũ lớn cuốn hai cô mấy ngày sau mới trôi về cầu Cóc, vớt lên đôi mắt vẫn nhắm hờ, mà thân thể vẫn tươi nguyên. Người Dao ở Tả Phời thương giáo viên cắm bản mang chữ đến làm sáng cái đầu con em mình, không may chết thảm, bỏ tên cầu cũ, đặt tên cầu mới là cầu Hai Cô. Cái chết của hai cô giáo đã thành huyền thoại và đi vào đời sống dân gian như thế.

Còn bao nhiêu giáo viên ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã sống cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời vì sự học của thế hệ trẻ mà không nề hà, kêu ca. Đơn cử, cô giáo Quách Thị Bích Nụ, sinh năm 1987 hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hòa, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Cô chia sẻ: “Được sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo nằm ven sông Đà, nơi mà thời ông cha đã nhường đất để xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Nghe bố kể từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành xây dựng gia đình sinh con mà không biết đã bao lần phải chuyển nhà vì nước ngập, chính vì vậy mà bà con nơi đây rất khó khăn, nguồn thu nhập chính cũng chỉ là đánh bắt tôm, cá, làm nương, làm rẫy. Muốn đi đâu làm gì cũng phải có thuyền nhưng để đầu tư mua được một chiếc thuyền nhỏ đi lại là niềm mơ ước cũng như khát khao của biết bao hộ gia đình. 17 năm qua đi dạy, tôi đưa đón học sinh bằng những chiếc bè nhỏ bé qua bao mùa mưa, lũ… Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ vất vả quá thì mình sẽ dừng công việc này, bởi nếu tôi nghỉ các cháu sẽ không được đến lớp; hoặc có đến lớp thì sẽ gian nan, vất vả. Không thể giúp đỡ các em tiền nộp học, tiền ăn hàng ngày nhưng tôi luôn gieo cho các em những động lực sự bền bỉ và cố gắng, vì có cố gắng thì tất cả mơ ước sẽ thành công.

Ước mong lớn nhất của tôi cùng bà con nơi đây là có được con đường liên xã, có cây cầu nối giữa xóm để cô trò và bà con nơi đây không cần lênh đênh trên mặt nước mà vẫn có thể đến trường mỗi ngày”...

Miên Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cho-nhung-dieu-lon-lao-o-lai-post495883.html