Chợ quê ngày giáp Tết

Chợ phiên ngày giáp Tết không chỉ là nơi mua sắm mà còn là địa chỉ để trao gửi tâm tình của những người con quê hương, nơi gửi gắm ước vọng về một năm mới yên bình, hạnh phúc. Trong những phiên chợ ấy, ai cũng thấy ấm lòng vì được trở về ký ức tuổi thơ, những ngày được ông bà, bố mẹ dắt đi chợ phiên sắm Tết, du xuân…

Đến chợ. Ảnh Bằng Cao

Chợ phiên ngày giáp Tết dồi dào hàng hóa và quy tụ đủ các sản vật phục vụ Tết như: Lá dong, đỗ xanh, gạo nếp, thịt...

Cũng là nơi mua bán hàng hóa, nhưng phiên chợ quê, đặc biệt vào phiên chợ Tết luôn có những nét đặc trưng riêng, khác biệt với chợ ở nơi đô thành, phố thị. Nhiều người thích đi phiên chợ quê ngày Tết bởi gác lại những vất vả, lo toan của cuộc sống hàng ngày, họ được trở về miền ký ức có hình ảnh gánh hàng của mẹ, sự vất vả của cha, những câu rao hàng truyền thống, những cố gắng, tất bật của người đi chợ để kịp mua sắm những đôi dép, quần áo mới… cho người thân trong gia đình. Những năm gần đây, công nghệ số phát triển, chỉ cần một thao tác online đặt hàng trên điện thoại, máy tính là sẽ được chuyển hàng đến tận nhà. Thế nhưng, sức hút của những phiên chợ quê ngày giáp Tết vẫn không thay đổi, thay vào đó, mỗi dịp Tết đến, xuân về là ai ai cũng nao lòng được đi phiên chợ ấy như để tìm về nét đẹp văn hóa truyền thống, tìm mua những sản vật quê nhà mỗi năm chỉ bán một lần và để nhớ về kỷ niệm một thời đã qua.

Để chuẩn bị cho phiên chợ, mọi người phải dậy từ sớm, người chuẩn bị hàng để mang đi bán, người lên danh sách đồ mua sắm, những câu gọi nhau í ới, râm ran khắp xóm làng.

Truyền thống từ thời xa xưa để lại, ở những phiên chợ quê sẽ họp theo ngày lịch âm hàng tháng và đông vui nhất vào buổi sáng mỗi phiên chợ. Vào những ngày phiên chợ, bên cạnh những sản phẩm hàng hóa quen thuộc bày bán hằng ngày thì chỉ trong những ngày phiên chợ ấy mới có sự xuất hiện thêm các gian hàng như: Gà, vịt giống, hoa, cây cảnh, những người thợ chuyên rẽ liềm, mài cuốc, những gánh bún, bánh cuốn, bánh đúc tự tay các bà, các mẹ chuẩn bị từ 3 giờ, 4 giờ sáng… đã tô điểm cho những phiên chợ thêm phong phú, đa dạng hơn.

Gian hàng quê của các bà, các mẹ bày bán tại phiên chợ Đầu (thành phố Hưng Yên)

Phiên chợ ngày Tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn nhà, đồng ruộng, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui, buồn của năm cũ, là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được gắn kết nhau hơn. Vào những ngày đi phiên chợ, đặc biệt là phiên chợ giáp Tết, là dịp các bà, các mẹ, các chị sau một năm lao động vất vả mới có dịp bớt chút thời gian để gặp gỡ, chia sẻ câu chuyện đồng áng, gia đình bên những cốc chè đỗ đen, bát bún quê dân dã mà thắm đượm tình người.

Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhiều bạn trẻ đã quen với việc mua hàng qua trang mạng xã hội để không mất thời gian đi lại nhưng đâu đó trong tâm khảm mỗi người đều có dấu ấn của những phiên chợ quê ngày giáp Tết. Mong muốn được về quê đi chợ phiên dịp Tết để tìm về giá trị văn hóa, nơi lưu giữ tình cảm sâu đậm về gia đình, quê hương. Đến phiên chợ quê ngày giáp Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Minh Huế

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/cho-que-ngay-giap-tet-86a0fbe/