Chó robot Black Panther phá kỷ lục tốc độ trong cuộc đua 100 mét

Chó robot Black Panther II của Trung Quốc vừa thiết lập kỷ lục (không chính thức) về tốc độ trong nội dung chạy nước rút 100 mét, nhờ thiết kế siêu nhẹ và trí tuệ nhân tạo (AI).

Chó robot Black Panther II của Trung Quốc

Chó robot Black Panther II của Trung Quốc

Phá kỷ lục không chính thức

Black Panther II, được phát triển bởi công ty khởi nghiệp công nghệ robot Mirror Me của Trung Quốc, đã đạt thời gian 13,17 giây cho cự ly 100 mét, khởi động từ tư thế đứng yên. Buổi chạy được phát trong một chương trình truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm Chủ nhật.

Kỷ lục chính thức hiện tại được ghi nhận bởi Sách Kỷ lục Guinness là 19,87 giây, do chó robot Hound của Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) thiết lập vào năm 2023.

Chó robot Black Panther II lập nên kỳ tích này trên sân vận động điền kinh tại thành phố Vũ Hán, trước sự chứng kiến của khán giả. Tuy nhiên, đây chưa phải kỷ lục chính thức. Công ty Mirror Me có kế hoạch nộp hồ sơ xác nhận lên Guinness, nhưng trước mắt họ sẽ tiếp tục tập trung vào nghiên cứu.

Trong lần chạy phá kỷ lục này, tốc độ tối đa của robot đạt 9,7m/s. Để so sánh, kỷ lục chạy 100 mét của con người thuộc về Usain Bolt người Mỹ với thời gian 9,58 giây năm 2009, đạt vận tốc trung bình 10,44m/s. Như vậy, robot 4 chân của Mirror Me vẫn còn một chặng đường dài để đuổi kịp con người.

Robot đi bộ được cải tiến

Kỷ lục của Black Panther II đạt được nhờ vào thiết kế siêu nhẹ, động cơ nhỏ gọn hiệu suất cao và AI điều khiển chuyển động.

Chất liệu sợi carbon giúp robot có trọng lượng chỉ khoảng 38kg nhưng mang lại độ cứng cao cho các chân, vốn còn có bộ phận đàn hồi để hấp thụ lực va đập. Thiết kế của chân robot được lấy cảm hứng từ loài chuột nhảy Jerboa - có thể đạt tốc độ lên đến 24km/h khi chạy trốn kẻ thù.

Chó robot này cũng sử dụng đế chân cao su, lấy cảm hứng từ "người anh em sinh học" của nó – báo đen. Đế chân cao su cung cấp độ bám cao, cho phép truyền lực hiệu quả xuống mặt đất.

AI kiểm soát chuyển động

Một hệ thống AI đảm nhiệm việc phối hợp các bước đi, cho phép robot tự động điều chỉnh dáng đi theo từng loại địa hình, đồng thời phối hợp linh hoạt giữa các chi để tạo nên các bước di chuyển mượt mà và ổn định.

Tốc độ ấn tượng của Black Panther II đã từng được hé lộ hồi tháng 1.2025, khi nhóm phát triển thử nghiệm khả năng chạy của nó trên máy chạy bộ trong phòng thí nghiệm. Khi đó, robot đã đạt tốc độ tối đa 10,4 m/s, tuy nhiên việc chạy 100 mét dưới 10 giây từ tư thế đứng yên vẫn bị xem là bất khả thi.

Cạnh tranh với Boston Dynamics

Chó robot WildCat của hãng Boston Dynamics được cho là còn nhanh hơn, tuy nhiên chưa có xác minh chính thức nên không được ghi nhận là kỷ lục. Theo một bài nghiên cứu năm 2020 của Viện Công nghệ Quốc gia Ấn Độ, WildCat đã từng đạt tốc độ lên tới 8,8m/s.

Trong khi chưa được Guinness xác nhận, thành tích 13,17 giây của Black Panther II đã chứng minh sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ robot di chuyển 4 chân và mở ra kỳ vọng lớn về ứng dụng của AI trong lĩnh vực này.

Robot hai chân vẫn còn chậm hơn đáng kể. Kỷ lục 100m của robot hai chân hiện là 24,73 giây do robot Cassie của Đại học bang Oregon (Mỹ) lập năm 2022. Các robot humanoid tiên tiến như Star 1 của Trung Quốc cũng mới chỉ đạt tốc độ khoảng 3,6m/s (tương đương 8 mph), chậm hơn nhiều so với tốc độ chạy của con người. Ngay cả trong cuộc thi bán marathon giữa người và robot humanoid đầu tiên ở Bắc Kinh vào tháng 4.2025, robot thắng cuộc Tiangong Ultra hoàn thành quãng đường 21km trong 2 giờ 40 phút, trong khi vận động viên nam về nhất chỉ mất 1 giờ 2 phút.

Những thách thức của robot chạy

Các robot đang ngày càng đạt được tốc độ ấn tượng, đặc biệt là robot 4 chân. Tuy nhiên, việc khi nào robot có thể phá kỷ lục chạy của người (đặc biệt là ở các cự ly ngắn như 100m của Usain Bolt) vẫn là một câu hỏi mở và phụ thuộc vào nhiều yếu tố phát triển công nghệ trong tương lai.

Hệ thống điều khiển và ổn định: Chạy nhanh đòi hỏi sự phối hợp cực kỳ phức tạp giữa động cơ, cảm biến và hệ thống điều khiển để duy trì thăng bằng, phản ứng tức thì với thay đổi địa hình và tối ưu hóa từng bước chạy. Não bộ con người xuất sắc trong việc điều phối hàng trăm cơ bắp để tạo ra chuyển động hiệu quả và linh hoạt, điều này cực kỳ khó tái tạo ở robot.

Thiết kế cơ học và vật liệu: Mặc dù robot có thể sử dụng động cơ điện mạnh mẽ và vật liệu nhẹ như sợi carbon, việc tạo ra các chi linh hoạt, có khả năng hấp thụ sốc và truyền lực hiệu quả như cơ bắp, gân và xương của con người vẫn là một thách thức lớn. Các bộ phận cứng nhắc của robot dễ bị rung động và hao mòn ở tốc độ cao.

Nguồn năng lượng: Chạy nhanh đòi hỏi lượng năng lượng lớn. Pin robot hiện tại vẫn còn hạn chế về dung lượng và trọng lượng so với năng lượng mà cơ thể con người có thể tạo ra và sử dụng.

Khả năng thích ứng với môi trường: Con người có thể dễ dàng chạy trên nhiều bề mặt khác nhau (cỏ, đất, bê tông, dốc) và vượt qua chướng ngại vật. Robot cần AI tiên tiến hơn nhiều để thích ứng linh hoạt như vậy mà không cần lập trình trước cho từng tình huống.

Chi phí và độ bền: Việc chế tạo và thử nghiệm các robot chạy tốc độ cao rất tốn kém. Đồng thời, chúng cần đủ bền để chịu được áp lực vật lý ở tốc độ cao mà không bị hỏng hóc.

Bùi Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cho-robot-black-panther-pha-ky-luc-toc-do-trong-cuoc-dua-100-met-234752.html