Chợ Tết quê của má
Mới đầu tháng 11 âm lịch, nước Mỹ bắt đầu những ngày lạnh lẽo, tuyết rơi trắng xóa, gió rít khắp nơi. Lên facebook đã nghe bạn bè chộn rộn mua vé máy bay, tàu xe, chuẩn bị về với gia đình sau một năm vất vả vì được nghỉ Tết tới cả chục ngày. Thiệt tình thấy nôn trong lòng. Đi chợ Việt Nam, nghe ai đó nhắc hai chữ tháng Chạp, tự nhiên lòng thấy rộn ràng, nôn nao từng chặp. Tôi tự nhủ với lòng, bằng bất cứ giá nào cũng cố gắng thu xếp về nhà đi chợ Tết, mua hoa, bánh mứt, xúng xính áo quần thăm bà con họ hàng và ấm êm với gia đình trong bữa cơm tất niên giữa chiều nhạt nắng.
Thế mới hay, Tết là một khái niệm vô cùng thiêng liêng không miêu tả bằng lời được. Nó nằm trong tiềm thức, sâu thẳm trong tim óc, giữa nỗi nhớ chơi vơi không định hình nổi trên xứ người xa lạ. Những lúc như thế này, tự nhiên tôi thấy yếu lòng và nhớ má vô cùng.
Má có quán tạp hóa nhỏ rộn ràng hàng hóa quanh năm. Đó là nguồn sống chủ yếu của gia đình, nuôi chục đứa con khôn lớn. Má bán đủ thứ, từ cây kim, cọng chỉ, xấp vải may đồ, tới xăng dầu, củi lửa, gạo muối, chanh đường… Nhưng cuối năm có lẽ là thời khắc bận rộn và kiếm tiền nhiều nhất. Bữa nào mấy má con cũng bận rộn từ tờ mờ sáng tới nửa đêm. Khắp nhà, đâu cũng là hàng hóa, từ xô đường, thau đậu, thúng nếp, rồi vải vóc, áo quần, giày dép bán cho lũ trẻ trong thôn... Tôi bảo quán tạp hóa ấy là cái chợ Ninh Hòa thu nhỏ.
Đầu tháng 10, má bắt đầu đi gom góp bạc tiền, mua hàng trữ bán Tết. Má mua hơn chục tạ nếp bỏ bao bố chất sau nhà bán cho bà con gói bánh tét. Đậu xanh không cần phải trữ. Bánh mứt này nọ cứ dặn trước người ta, để đầu tháng Chạp họ đem tới liền bán dần cho những người mua sắm sớm. Các loại mứt Tết đủ màu sắc để một góc nhà. Mứt dừa xanh đỏ tím vàng tươi rói. Mứt chùm ruột đỏ rực tới mấy thau. Mứt bí, mứt gừng, thêm mứt hạt sen nắng chiếu vô ánh lên sắc đường lóng lánh. Nhưng ngon nhất và mê ly nhất có lẽ là mứt dẻo đầy đủ đu đủ, cà rốt, thơm, cà chua mướt rượt. Tôi đi qua bốc một miếng, đi lại lấy một miếng. Hột dưa là món bán đắt nhất. Năm nào cũng mua cả mấy bao chất góc nhà. Đó là món không bao giờ sợ ế.
Má ra chợ lấy sỉ vải vóc với áo quần may sẵn. Rồi má mua quá trời lò nung lớn nhỏ đủ kiểu của thương lái ở Bàu Trúc, từ Ninh Thuận chở ra, chất đống bán. Năm nào cũng sợ bán không hết nhưng tới chiều ba mươi là sạch bách. Bởi dù nghèo khổ đến đâu, cuối năm, nhà nào cũng sắm sửa cho mình cái lò đất nung mới.
Má “nắm bắt thị trường” nhanh lắm. Chỉ cần vài ngày thôi là biết năm đó món nào “hút”, món nào ế, xử lý liền chứ không ôm hàng ăn cho hết. Món nào thiếu, má chạy ra chợ mua liền, chứ người ta tới hỏi mà không có, lại qua hàng khác thì sẽ mất mối. Từ sáng tới tối, khách vô nườm nượp, bán buôn không ngớt tay, nhiều bữa không có thời gian để ăn trưa. Tuy mệt vậy nhưng vui vô cùng.
Chiều ba mươi, trong khi ba và anh chị rộn ràng lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng, bày biện mâm cơm cúng tất niên mời ông bà, tổ tiên về ăn cùng con cháu, thì má ngồi một góc, lặng lẽ cộng sổ sách, kiểm tra hàng hóa, coi thử nợ nần, lời lãi bao nhiêu. Tôi ngồi một bên, dõi theo nét mặt của má mà đoán tình hình. Có năm, dẫu không cười nhưng mặt má tươi như hoa cúc vàng nở rộ trước sân, nghĩa là năm ấy nhà có một cái Tết thật to, tụi tôi được lì xì một phong bì dày. Có năm, má nhíu mày, thở dài nhè nhẹ. Chỉ nhiêu đó thôi tôi biết đó sẽ là một cái Tết buồn của gia đình khi không dư dả tiền bạc.
Và sau đêm giao thừa rộn ràng những người đi chùa hái lộc, lễ Phật đầu năm, hay đi xông đất, là lúc chị em tôi chuẩn bị cho một mùa bội thu bán hàng ăn vặt. Tết mà, hầu như đứa con nít nào cũng có rủng rỉnh tiền lì xì. Cả tháng trước, chúng tôi mua nước ngọt, xi rô, nước khoáng, bia các loại cùng khô mực, cá, mực tẩm và nhiều món ăn vặt khác trữ bán mấy mùng của Tết. Hầu như nhà nào cũng ăn toàn bánh tét, hết luộc tới chiên, chuyển qua ăn bánh tráng cuốn măng kho thịt vịt hay thịt ba chỉ thưng, ai cũng ớn. Thế là mấy con khô cá mực trở thành sự cứu rỗi... cái bụng.
Mỗi sáng, con nít trong xóm túa ra, từ trên nhà quê đi xuống, ghé vô hàng mua chai nước ngọt, kèm con mực nướng, vừa đi vừa nhai nhóp nhép ngon lành. Mỗi trưa, sau khi đi chơi và xin được mớ tiền lì xì về, tụi nó ghé lại mua nước ngọt kèm ly đá uống một hơi, xong chuyển qua ăn khô mực, cá tẩm trong hào hứng. Mỗi tối, mấy ông nhậu ớn thịt ớn bánh tét, ra ngồi kêu mấy con khô mực kèm vài chai bia nhậu nói chuyện hăng say. Ngày nào cũng vậy, bạn không thể tưởng tượng bán đắt thế nào đâu. Cả ngày chị em tôi không có thời gian đếm tiền, được bao nhiêu cứ quăng vô tủ, giữa khuya dọn hàng xong, cả nhà ngồi đếm sướng tay vô cùng.
Tới mùng năm, Tết sắp hết, hàng hóa không còn nhiều, thế là chỉ bán lai rai, nhưng tiền thu vô vẫn đầy tủ. Qua tới mùng tám, tụi con nít đi học lại rồi, tiền lì xì ăn hết trọi. Mấy ông hàng xóm tối hết nhậu vì mai phải đi làm. Ra chợ cá mắm bán cũng nhiều. Thế là đã tới lúc phải dọn dẹp hàng, chờ hẹn năm sau tiếp tục.
Chợ quê của má như một nỗi niềm theo dấu chân tôi trên khắp quả địa cầu, trong những chuyến thiên di dài ngắn. Nó như một phần ký ức, một góc đời không dễ gì xóa bỏ. Vui có, buồn cũng rất nhiều. Đi tới chỗ nào, thấy quầy tạp hóa bán đủ thứ, tự nhiên cứ nghẹn ngào nhớ má. Ánh mắt ngày cuối năm của má vẫn quanh quẩn đâu đó trong góc khuất tâm hồn, chưa một lần biến mất.
Mà nói nào ngay, ở tuổi ngoài bốn mươi, tôi vẫn đắm đuối mê Tết như thuở thiếu thời, tóc xanh vời vợi.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2025/202501/cho-tet-que-cua-ma-4126b18/