Lì xì có nghĩa là gì, vì sao mừng tuổi lại gọi là lì xì?

Mặc dù luôn mong đợi nhận tiền lì xì mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người vẫn chưa biết hai chữ lì xì có ý nghĩa gì, vì sao mừng tuổi lại gọi là lì xì.

Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng thích được lì xì trong dịp Tết Nguyên đán. Chuẩn bị Tết, gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn nhiều phong bao để đựng tiền mừng tuổi. Tuy vậy, không phải ai cũng biết lì xì có nghĩa là gì, vì sao lại dùng từ này để nói về hoạt động mừng tuổi.

Lì xì có nghĩa là gì?

Lì xì là từ được phiên âm từ tiếng Trung Quốc, câu chuyện về nguồn gốc tục mừng tuổi đầu năm cũng được cho là xuất hát từ nước này với câu chuyện dân gian về con quỷ hay xoa đầu trẻ nhỏ.

Chuyện rằng, ở Đông Hải có một con quỷ nhăm nhe gây hại cho người dân. Ngày thường, chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa và đây là lúc con quỷ lộng hành. Nó hay xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến chúng giật mình khóc thét lên. Đến hôm sau, đứa trẻ bị đau đầu, sốt cao khiến cha mẹ không dám ngủ, cố thức để canh phòng.

Một lần, 8 vị tiên đi ngang một ngôi nhà, thấy quỷ đang quấy phá bọn trẻ liền hóa thành những đồng tiền nằm bên mấy đứa bé, bảo cha mẹ chúng đem gói vào tấm vải đỏ để xua đuổi quỷ. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi quỷ đến, những đồng tiền sáng lóe lên khiến nó hoảng sợ, phải bỏ chạy.

Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe và họ học theo cách làm trên để bảo vệ con cháu mình. Kể từ đó, cứ đến Tết là người ta bỏ tiền vào những phong bì đỏ tặng trẻ con để trẻ khỏe mạnh, chóng lớn. Hành động này ngày càng trở nên phổ biến và lì xì ngày Tết trở thành phong tục truyền thống.

(Ảnh minh họa: Istock)

(Ảnh minh họa: Istock)

Nhưng hai chữ lì xì có nghĩa là gì? Đây là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, mang ý nghĩa nhận được lợi ích, tài lộc và may mắn. Tiền lì xì được xem như món quà mang lại điều tốt lành, phúc lộc và hạnh phúc, đặc biệt dành cho trẻ em trong dịp đầu năm mới.

Ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở giá trị vật chất mà quan trọng ở tấm lòng và lời chúc tốt đẹp của người tặng. Thông thường, tiền lì xì là khoản tiền nhỏ, được bỏ vào phong bao đỏ tượng trưng cho sự may mắn và cẩn trọng.

Dù người nhận là trẻ em hay người lớn, việc nhận được lì xì luôn mang lại niềm vui, sự háo hức, và không khí phấn khởi cho ngày Tết. Đây không chỉ là một nét văn hóa truyền thống đẹp mà còn thể hiện sự gắn kết, sẻ chia và chúc phúc trong cộng đồng.

Với người Việt Nam, lì xì ngày Tết là một trong những phong tục tốt đẹp được truyền từ nhiều đời nay nhằm gửi gắm những lời chúc may mắn, bình an và hạnh phúc trong những ngày đầu năm mới.

Theo tục lệ, sau giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết, ông bà, cha mẹ thường mừng tuổi cho con cháu cùng những lời chúc tốt lành. Con cháu trưởng thành cũng mừng tuổi bố mẹ, ông bà lớn tuổi với lời chúc sức khỏe và trường thọ. Việc mừng tuổi cũng được thực hiện khi mọi người cùng đi thăm hỏi và chúc Tết họ hàng, bạn bè, hàng xóm.

Khi trẻ nhỏ đến chúc Tết, chủ nhà thường trao tặng phong bao lì xì với số tiền không cố định, tùy thuộc vào điều kiện và tình cảm. Ngược lại, khách đến nhà cũng mừng tuổi cho con cháu của gia chủ. Tiền mừng tuổi thường là số lẻ, tượng trưng cho sự dư dả, phát triển bền vững. Đôi khi, quà tặng được trao thay thế cho tiền mừng tuổi.

Lì xì không chỉ là hành động trao nhận tài lộc, may mắn mà còn thể hiện tình yêu thương, sự kính trọng và gắn kết trong những ngày đầu xuân.

Khánh An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/li-xi-co-nghia-la-gi-vi-sao-mung-tuoi-lai-goi-la-li-xi-ar916901.html