Chờ thêm chính sách hỗ trợ

Để giải quyết các điểm nghẽn của thị trường bất động sản, cần có sự phối hợp đồng bộ và sự linh hoạt trong triển khai chính sách

Nhiều đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản đã được nêu ra tại tọa đàm "Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024 và đầu năm 2025"

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM: Kéo giảm giá nhà ở

Theo khảo sát, số lượng căn hộ trong 8 tháng đầu năm 2024 tại TP HCM đã giảm hơn 94,9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 14.286 căn, gây nên tình trạng giá nhà ở tăng 15%-20%. Với việc nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng cao, đặc biệt những nhu cầu này đều có khả năng thanh toán nên giá nhà tăng là điều tất yếu, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nhà ở.

Để bất động sản (BĐS) giảm giá, cần phải tăng được nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền. Muốn làm được, TP HCM phải giải quyết hơn 148 dự án đang vướng mắc, tồn đọng. Ví dụ, mỗi dự án gồm 1.000 căn, khi tháo gỡ được thì thị trường sẽ có thêm đến 148.000 căn hộ mới. Nhờ đó trực tiếp giúp điều tiết thị trường và kéo giảm giá nhà.

TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước - ĐH Kinh tế TP HCM: Thị trường còn gặp nhiều thách thức

Dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS còn đang gặp nhiều thách thức, chẳng hạn thách thức trong phản ứng chính sách. Mặc dù TP HCM đã có nhiều cơ chế đặc thù như Nghị quyết 98 nhưng việc triển khai và thực thi vẫn chưa đạt hiệu quả cao và chưa thực sự rõ ràng. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong việc biến chính sách thành hành động cụ thể.

Những thay đổi trong hành lang pháp lý, quản lý và hành chính sẽ tác động mạnh đến nguồn cung BĐS. Gần đây, một số quy định mới đã được ban hành nhằm can thiệp vào thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở. Những quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ thị trường BĐS.

Để giải quyết các điểm nghẽn của thị trường BĐS, cần có sự phối hợp đồng bộ và sự linh hoạt trong triển khai chính sách. Sự thay đổi của chính sách vĩ mô quá nhanh chóng hoặc không có sự nhất quán trong dài hạn sẽ gây khó khăn cho việc phát triển bền vững của thị trường BĐS.

Bà MAI THỊ THU, đại diện Cục Thuế TP HCM: Đẩy mạnh tiến độ giải quyết hồ sơ

Ngay sau khi Cục Thuế nhận được công văn chỉ đạo từ UBND TP HCM về việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng liên quan đến thuế, chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo các chi cục và các phòng, ban trực thuộc xử lý toàn bộ hồ sơ của người dân và doanh nghiệp (DN) từ ngày 21-9, không gây phiền hà cho họ.

Cụ thể, Cục Thuế TP HCM đã giải quyết xong tổng số 15.800 hồ sơ tồn đọng từ ngày 1-8 đến 21-9. Từ ngày 23-9 đến 3-10, người dân và DN đã nộp thêm hơn 5.888 hồ sơ. Trong đó, gần 3.800 hồ sơ đã được giải quyết, còn lại hơn 1.900 hồ sơ đang trong thời gian chờ xử lý.

Cục Thuế đang tích cực động viên các chi cục thuế đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, bảo đảm không để xảy ra vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, pháp luật với mục tiêu đồng bộ, dễ hiểu, không phát sinh vướng mắc trong thực thi, bảo đảm có sự hiểu thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Bà ĐẶNG THỊ KIM OANH, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh: Làm nhà ở xã hội chưa có lợi nhuận

Chúng tôi kiến nghị nhà nước cần phân biệt rõ các loại đất do nhà nước giao hay DN tự mua để định giá rõ ràng, hợp lý, nhằm tránh DN sai phạm, cũng như khuyến khích DN đồng hành với nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Liên quan thủ tục pháp lý, dù quy định riêng việc thực hiện NƠXH được chia thành 3 giai đoạn nhưng thực tế vẫn kéo dài như làm nhà ở thương mại, cần rút gọn để gia tăng hiệu quả đầu tư. Về biên độ lợi nhuận, DN được hưởng tối đa 10%, chi phí bán hàng chỉ cho phép 2% nhưng thực tế phải hơn 6%, cho nên lợi nhuận thực của DN chỉ có 6%. Với việc hoán đổi quỹ đất xây dựng NƠXH, quy định chủ đầu tư được phép đề xuất hoán đổi nhưng với điều kiện phải có quỹ đất trong cùng một loại đô thị hoặc cùng một công ty là rất khó đáp ứng.

Nguồn vốn phát triển dự án NƠXH cũng khiến nhiều DN gặp khó khăn. DN chỉ được vay ưu đãi khoảng 15%/vốn đầu tư dự án từ Quỹ Đầu tư phát triển của các tỉnh, thành. Trong khi đó, người mua NƠXH cũng gặp khó bởi quy định quá nhiêu khê.

DN xây dựng NƠXH hiện chưa làm vì lợi nhuận. Một số đơn vị có tư duy làm nhà thấp cấp, giá bán rẻ nên rất nhanh xuống cấp. Trong khi đó, ở Singapore, dù là NƠXH thì họ cũng đầu tư có chất lượng, nhiều tiện ích, thậm chí còn tăng giá mạnh theo thời gian. Chúng tôi đã khảo sát và quyết tâm học tập kinh nghiệm của Singapore.

Ông NGÔ HỮU TRƯỜNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh: Thay đổi theo mô hình 5R

Thị trường BĐS dù có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Để gỡ khó, cần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập để thu hút nguồn vốn mới. Quan trọng nhất là làm sao giải quyết các vướng mắc pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả, tiết giảm chi phí, tập trung vào đúng phân khúc khách hàng.

Chúng tôi đang áp dụng chiến lược thay đổi theo mô hình 5R (Right market, Right customer, Right time, Right price, Right product) vì cần phải chọn đúng thị trường, đúng phân khúc và hướng đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Trước hết, tập trung vào các sản phẩm BĐS có giá trị thực, nhà ở thật. Tiếp theo là đúng thời điểm, chọn đúng "điểm rơi" để dự án có thể triển khai nhanh chóng và hấp thụ tốt. Đồng thời, cần phải định giá đúng.

Như vậy, ngoài yếu tố vĩ mô và chính sách pháp luật, bản thân DN cũng cần phải tái hoạch định chiến lược và phát triển một cách bài bản hơn.

Ông PHẠM LÂM, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: 5 động lực phát triển thị trường

Chính sách pháp luật đã có; các bộ, ngành và địa phương cũng đã triển khai nhiều quy định pháp luật rõ ràng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, để những quy định này thực sự đi vào thực tiễn, chúng ta cần thêm thời gian.

Động lực về cơ sở hạ tầng đã được Chính phủ tập trung triển khai quyết liệt, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Sự phát triển hạ tầng đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường BĐS nhà ở và BĐS khu công nghiệp tại khu vực này. Về kinh tế vùng, các tỉnh giáp ranh TP HCM và các khu vực lân cận đã có sự liên kết chặt chẽ, vì vậy động lực hạ tầng là vô cùng quan trọng.

Với động lực về nguồn vốn, đã có nhiều "tay chơi mới" tham gia thị trường trong 2 năm qua, nguồn vốn mới đã đổ vào sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường. Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy sự ổn định tín dụng, nhiều ngân hàng sẵn sàng "chào" mức lãi suất cố định trong 3 năm chỉ 5% nên sẽ thu hút người mua nhà để ở. Đáng chú ý, thanh khoản thị trường BĐS đang có dấu hiệu tích cực, từ đó sẽ thúc đẩy thị trường phát triển.

Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Từng bước tháo gỡ khó khăn

Thị trường BĐS ở TP HCM và một số đô thị lớn trên cả nước đã có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ hơn, cần thêm các yếu tố khác như: ổn định kinh tế vĩ mô, diễn biến xung đột địa chính trị khu vực Trung Đông lắng dịu và sự phục hồi lòng tin của khách hàng.

Chủ trương chung của TP HCM và cả nước là từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS vì đây không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn tác động đến nhiều ngành nghề khác. Có tới hơn 20-30 ngành nghề liên quan lĩnh vực BĐS, từ xây dựng, vật liệu xây dựng đến thiết kế, thi công...

Riêng về đề xuất nhà trọ cho người dân TP HCM như ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu, với khoảng 1,4 triệu người đang ở trọ trên địa bàn, việc chuyển đổi nhà trọ thành NƠXH là một ý tưởng hay. Báo Người Lao Động sẽ nghiên cứu và định hướng truyền thông, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động. Với các DN BĐS, hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển trong tương lai. Đặc biệt, thông tin về việc giảm lãi suất là một xu hướng tích cực, giúp các DN BĐS từng bước phục hồi.

SƠN NHUNG - LÊ TỈNH ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cho-them-chinh-sach-ho-tro-196241010193538963.htm