Chờ thêm những làng nghề 'khoác áo' điểm du lịch
Tin vui với không chỉ người dân làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đó là ngày 9-10, UBND TP Hà Nội có Quyết định công nhận điểm du lịch đối với làng nghề này. Theo đó, UBND xã Bát Tràng có trách nhiệm quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định pháp luật, nhằm bảo đảm giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch.
Xã Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Bát Tràng hiện có hơn 200 DN và gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 20%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%.
Hiện, trên địa bàn TP có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong danh mục dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hà Nội xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là một trong thế mạnh nên đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch… Bước đầu, trên địa bàn TP đã tổ chức được một số xã trọng điểm về phát triển du lịch, như: Cổ Loa, Thụy Lâm (huyện Đông Anh), Cổ Đô, Vân Hòa (huyện Ba Vì), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Mê Linh (huyện Mê Linh), Vân Từ, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Hồng Vân (huyện Thường Tín), Thạch Xá (huyện Thạch Thất)...
Luận ra, ngày nay, dòng khách du lịch văn hóa có xu thế ngày càng tăng, chiếm trên 60% tổng số hành khách du lịch, nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực châu Á, như Trung quốc, Thái Lan, Malaysia đã có những chính sách rất sáng tạo để thu hút khách du lịch vào nước mình, không chỉ tạo ra một nguồn thu đáng kể mà quan trọng hơn nữa là qua du lịch văn hóa mà giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc họ đến với khắp nơi trên thế giới.
Du lịch làng nghề được khai thác một cách bài bản, chuyên nghiệp là phương tiện giao lưu, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam một cách sâu rộng và có hiệu quả, góp phần tôn vinh, bảo tồn và giới thiệu rỗng rãi các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Du lịch làng nghề góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng các làng nghề kể cả đường giao thông, cấp thoát nước, bến cảng các công trình công cộng như viễn thông, y tế. Du lịch làng nghề được quảng bá và thị trường các sản phẩm của làng nghề được mở rộng sẽ nâng cao thu nhập của cư dân làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho làng nghề và cho địa phương có làng nghề. Mong rằng, nhiều làng nghề của Hà Nội cũng sẽ được công nhận là điểm du lịch như Bát Tràng.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cho-them-nhung-lang-nghe-khoac-ao-diem-du-lich-166668.html