'Chợ tình Xuân Dương' nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống
'Chợ tình Xuân Dương', huyện Na Rì được tổ chức vào ngày 25/3 âm lịch hằng năm không chỉ là điểm hẹn văn hóa, là chốn người cũ trở về với duyên xưa mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Nùng.

Các nghệ nhân hát Sli bên dòng sông Bắc Sen.
“Chợ tình Xuân Dương” huyện Na Rì đã hình thành cách đây hơn một thế kỷ (1911). Đến nay, phiên chợ độc đáo này vẫn được duy trì với những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đó là hát Sli - thể hát giao duyên độc đáo của người Nùng, là những bộ trang phục truyền thống và cả các trò chơi dân gian. Buổi khai hội, nguồn gốc, ý nghĩa của “Chợ tình Xuân Dương” được kể qua hoạt cảnh dàn dựng công phu với chất liệu văn hóa truyền thống là câu Sli, lượn mang đến cảm xúc đặc biệt cho người xem.
Điểm nhấn của lễ hội chính là không gian diễn xướng của làn điệu Sli mượt mà bên dòng Bắc Sen thơ mộng. Đi “chợ tình” du khách dễ dàng bắt gặp và cảm mến những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, cùng các nhạc cụ độc đáo.

"Chợ tình Xuân Dương" nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.
Cảm nhận của du khách về "Chợ tình Xuân Dương".
Năm nay 94 tuổi, cụ Nông Thị Sạch, dân tộc Nùng ở xã Thiện Long, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) vẫn dậy từ sớm nhờ con đưa sang Na Rì để đi “chợ tình”. Cụ Sạch bảo: “Mê và biết hát Sli từ nhỏ, giờ không còn sức hát nữa nhưng năm nào cũng phải về Xuân Dương để được nghe hát giao duyên. Với người Nùng, hát Sli là niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu”.

Các nghệ nhân của tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn hát giao duyên đêm trước chợ tình.
Các "nghệ nhân nhí" hát Sli tại "Chợ tình Xuân Dương".
Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia hát Sli của người Nùng Xuân Dương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2021) được thực hành ở không gian rất đa dạng như: Trong các đám cưới hỏi, đám mừng thọ, hát trên nương, rẫy, thậm chí được hát cả trong các đám hiếu. Cũng vì những giá trị đã được khẳng định, hát Sli là hình thức nghệ thuật chủ đạo trong Lễ hội văn hóa "Chợ tình Xuân Dương" từ nhiều năm nay. Người dân xã Xuân Dương từ lúc nhìn thấy mặt trời cho đến khi rời "cõi tạm" đều có tiếng Sli đi cùng. Lời Sli là những câu chuyện đời sống thường ngày, là khúc hát giao duyên, là nét văn hóa đặc sắc, cũng là tiếng lòng của người dân vùng cao. Đi chợ tình mà không hòa mình vào câu Sli giao duyên thì coi như chưa về Xuân Dương.
Nghệ nhân Hoàng Xuân Thu, quê Lạng Sơn từ nhiều năm nay là khách quen của “Chợ tình Xuân Dương”. Dù đã 60 tuổi nhưng mỗi lần đến “chợ tình”, ông Thu vẫn bồi hồi, xúc động. Không chỉ mong mỏi gặp lại người xưa mà quan trọng ông Thu muốn có những người bạn tâm giao để cùng nhau ngân lên những câu Sli sâu lắng, mượt mà. Vì thế, năm nào ông Thu cũng phải có mặt trước phiên chợ khoảng 2 ngày để cùng các nghệ nhân đối đáp giao duyên suốt canh thâu.
“Nhờ có “chợ tình” mà những nghệ nhân yêu Sli như chúng tôi mới có dịp gặp mặt để trò chuyện, để giao hát và gìn giữ nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa truyền lại”, nghệ nhân Hoàng Xuân Thu chia sẻ.
Góp phần gìn giữ di sản phi vật thể quốc gia, cuối năm 2022, CLB hát Sli xã Xuân Dương được thành lập với 43 thành viên. Với vai trò là Chủ nhiệm CLB, nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hồ tích cực tham gia đào tạo, truyền dạy hát Sli cho thế hệ trẻ của địa phương. Ông coi đó là cách để giúp những câu Sli vang mãi.

Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hồ truyền dạy hát Sli cho thế hệ trẻ.
Từ nhỏ đã được theo ông và cha mẹ đi chơi "chợ tình" hay các hoạt động văn hóa của địa phương, em Hoàng Anh Vũ, học sinh lớp 7 đã ngấm dần tình yêu với làn điệu Sli. Với sự chỉ dẫn của nghệ nhân Nông Văn Hồ, sau vài tháng theo học, Vũ đã có thể tự tin thể hiện những câu Sli đối đáp với bạn bè.
Chủ tịch UBND huyện Na Rì chia sẻ về giữ gìn văn hóa truyền thống tại "Chợ tình Xuân Dương".
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Dương, ông Lô Minh Chuyên cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có hát Sli của đồng bào Nùng và nhiều trò chơi dân gian. Sli góp phần nâng tầm giá trị “chợ tình”, còn “chợ tình” giúp Sli bảo tồn và phát triển./.