Sự thật về Hoàng Phi Hồng
Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi võ sư Hoàng Phi Hồng qua đời, huyền thoại võ thuật vẫn còn là cái tên ít ai biết đến.

Một bức tranh tượng trưng cho Hoàng Phi Hồng được trưng bày tại Đài tưởng niệm nhân vật này ở Phật Sơn. Ảnh: Mathew Scott
Po Fung, nhà phê bình điện ảnh kiêm cựu nhân viên Lưu trữ phim Hong Kong (Trung Quốc), đã dành 20 năm nghiên cứu Hoàng Phi Hồng – huyền thoại võ thuật và danh y xứ Quảng Đông. Theo ông, đến nay, những tài liệu, hình ảnh, bản ghi ẩm về nhân vật này không có hoặc không tìm thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của Hoàng Phi Hồng trong văn hóa Trung Hoa là không thể phủ nhận.
Các tài liệu đều cho rằng Hoàng Phi Hồng sinh vào thời điểm năm 1847 tại làng Lư Châu, tỉnh Quảng Đông, trong một gia đình võ thuật. Cha ông – Hoàng Kỳ Anh – là một trong “Quảng Đông Thập hổ”, được cho là truyền nhân của Thiếu Lâm Nam phái. Hoàng Phi Hồng thừa hưởng tinh hoa võ học, phát triển Hồng gia quyền và trở thành một trong những cao thủ võ lâm tiếng tăm lúc bấy giờ.
Với phương pháp luyện võ hiệu quả và các bài quyền đặc sắc, ông không chỉ nổi danh trong giới võ lâm địa phương mà còn mở rộng hiệu thuốc gia truyền Bảo Chi Lâm, điều hành đoàn múa lân biểu diễn vào các dịp lễ tết, trở thành một nhân vật quan trọng trong cộng đồng. Nhưng đến cuối năm 1924, gia đình xảy ra biến cố khiến ông suy sụp và qua đời vào tháng 4/1925 trong nghèo khó.

Lý Liên Kiệt trong một cảnh quay từ Once Upon a Time in China (1991). Ảnh: do Golden Harvest cung cấp
Bước ngoặt đến năm 1934 với tiểu thuyết Hoàng Phi Hồng truyền kỳ của Chu Công. Dù Po đánh giá “không phải là cuốn sách hay” và phần lớn là hư cấu, nhưng nó được đông đảo bạn đọc đón nhận, rồi chuyển thể thành kịch radio. Năm 1949, đạo diễn Ngô Bằng đưa Hoàng Phi Hồng lên màn ảnh với The Story of Wong Fei-hung, Part 1. Đến đầu thập niên 1960, đã có 60 bộ phim về ông, chủ yếu do Quan Đức Hưng thủ vai.
Hình tượng “anh hùng liều lĩnh” dần chuyển thành người thầy từ bi, truyền dạy học trò sống kỷ luật, tôn trọng, giữ phẩm giá. Năm 1955, bộ phim Hoàng Phi Hồng: Kẻ Thù Của Pháo Hoa ra mắt và tạo cơn sốt, dẫn tới 27 phần phim khác được sản xuất trong vòng một năm.
Thập niên 1970–1980, nhân vật Hoàng Phi Hồng được biến tấu với yếu tố hài qua diễn xuất của Thành Long trong Drunken Master (1978), mở đầu thể loại hành động – hài. Nhưng phải đến Once Upon a Time in China (1991) của Từ Khắc với Lý Liên Kiệt thủ vai, hình ảnh Hoàng Phi Hồng mới thực sự được định hình như một chiến binh chính nghĩa, khát khao trừ gian diệt ác, phản ánh khát vọng dân tộc lúc bấy giờ. Bộ phim mở đường cho sáu phần tiếp theo và nhiều loạt phim truyền hình.
Po cho biết, tài liệu có ghi Hoàng Phi Hồng từng huấn luyện quân Cờ Đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc thời nhà Thanh, cùng họ chống quân Nhật ở Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, thông tin về ông vẫn rất ít, càng tạo điều kiện cho việc “xây dựng hình tượng theo bất kỳ cách nào người ta muốn.”

Jackie Chan trong phim Drunken Master II (1994). Ảnh: do Golden Harvest cung cấp
Ngày nay, làng Lư Châu – quê hương của ông – không còn nữa do quá trình đô thị hóa của Phật Sơn, thành phố hiện có gần 8 triệu dân. Năm 2002, chính quyền mở rộng Bảo tàng Tổ Miếu Phật Sơn, thêm khu tưởng niệm Hoàng Phi Hồng với kiến trúc Lĩnh Nam, mô phỏng tiệm thuốc cũ của ông. Khách từ Hong Kong (Trung Quốc) chỉ mất khoảng 90 phút để đến thăm bảo tàng.
Khu trưng bày về Hoàng Phi Hồng gồm những dữ liệu cơ bản về cuộc đời ông và nhiều hiện vật văn hóa đại chúng – truyện tranh, phim ảnh. Một bức chân dung từng được cho là của ông thực chất là ảnh người con trai thứ tư, Hoàng Hán Hy. Dù vậy, khu tưởng niệm vẫn gây ấn tượng với loạt tranh thủy mặc đầy chất hoài niệm của họa sĩ quốc gia một thời Lâm Vĩnh Khang.

Một bức ảnh từng được cho là của Hoàng Phi Hồng do đệ tử của ông là Quảng Kỳ Đề chụp, được phát hiện lại vào năm 2005. Ảnh: Wikipedia
Điểm nhấn hút khách là các màn biểu diễn múa lân – võ thuật. Ông Lý Niên Trung, Chủ tịch Hiệp hội Múa lân – Võ thuật Trung Liên, cùng võ sư Ngô Trung Quyền – hậu duệ dòng võ có tổ sư là học trò thân cận của Hoàng Phi Hồng – tiếp tục gìn giữ truyền thống này. Theo ông Lý, Hoàng Phi Hồng từng đưa động tác võ vào múa lân, giúp tăng tính hấp dẫn và tạo cơ hội kiếm sống cho võ sư. Trong triết lý của ông, hiếu kính và tuân phục luôn đặt lên hàng đầu.
“Giới trẻ ngày nay có thể học nhiều điều từ Hoàng Phi Hồng,” ông Lý nói. “Ông là lương y chữa bệnh không lấy tiền, là võ sư bảo vệ kẻ yếu, và là người từng cùng quân Cờ Đen chống xâm lược Nhật – một anh hùng dân tộc đúng nghĩa.”
Sau khi ông mất, người vợ thứ tư Mạc Quế Lan rơi vào cảnh khốn khó vì mất hết tài sản. Là cao thủ Mộc gia quyền, bà dạy võ để sống qua ngày. Đến khoảng năm 1936, được nhóm môn sinh ở Hong Kong (Trung Quốc) giúp đỡ, bà lập võ đường và mở lại phòng khám Bảo Chi Lâm, nay vẫn còn hoạt động tại Thạch Kỳ Loan, do ông Lý Trần Hòa, 85 tuổi tiếp quản.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-that-ve-hoang-phi-hong-312546.html