Chợ và nghề buôn bán trong cuốn sách mới của Ngô Văn Ban
Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban đã ra mắt bạn đọc một công trình khảo cứu khá lý thú chuyên về chợ và chuyện buôn bán với tên gọi: “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về chợ, việc đi chợ và nghề buôn bán của người Việt xưa” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2025).
" hideclass src="http://www.baokhanhhoa.vn/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/022025/sach_20250204164123.jpg">
Khá lý thú là vì cùng với việc giải thích khái niệm về chợ và các loại chợ xuất hiện ở nước ta từ xưa đến nay, tác giả đã dày công sưu tầm, giới thiệu rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ liên quan đến nội dung kể trên và việc buôn bán ở nhiều vùng miền, nhiều địa phương trong nước. Chỉ tính riêng tên các chợ nổi tiếng gắn với loại hình chợ phiên, chợ chuyên về các sản vật cũng đã nhiều. Nhưng không dừng ở đó, qua kho tàng thơ ca dân gian được nêu, người đọc còn tiếp cận với không ít bức tranh gắn liền với đời sống văn hóa, sinh hoạt, giao lưu tình cảm của nhiều thế hệ cha ông ta ngày xưa. Có những câu ca về kinh nghiệm mua bán, xưa nay ít có sách vở nhắc tới cũng được tác giả sưu tầm kèm lời chú giải khá chi tiết. Chẳng hạn như các câu: “Bán đầu cá, vá đầu tôm”; “Bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa”; “Mua lợn ở nhà, mua gà ở chợ”…
Đặc biệt, trong công trình khảo cứu vừa được xuất bản, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đã in kèm 5 phần phụ lục. Trong đó, cùng với việc giới thiệu “Từ ngữ về việc bán” (phụ lục 1), “Từ ngữ về việc buôn” (phụ lục 2), “Từ ngữ về việc mua” (phụ lục 3), ở phần phụ lục 4, tác giả đã chọn lọc một số bài vè (như: Vè bán chiếu, vè bán kẹo, vè bán hàng, vè bán quán, vè bán chợ Tết, vè ăn hàng…) cùng những câu hô bài chòi liên quan đến chợ và việc bán buôn. Riêng ở phụ lục 5, cuốn sách đã tập hợp, giới thiệu hơn 100 bức tranh khắc nói về các hoạt động buôn bán của người Việt vào những năm đầu thế kỷ XX do họa sĩ người Pháp Henri Oger thực hiện (in trong sách “Technique du peuple Annammite” - Kỹ thuật của người An Nam - bản dịch tiếng Việt của Trần Đình Bình, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, năm 2009).
Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban cho biết, cùng với phương pháp điền dã, đi đến vùng đất nào, hễ gặp sách hoặc những tài liệu có liên quan tới văn học dân gian, ông đều tiếp cận, tìm hiểu. Có người tặng, có người bán, qua đó ông tích lũy dần trong nhiều năm, rồi nghiên cứu, hệ thống và chú giải để tạo nên các tác phẩm chuyên khảo. Có lẽ nhờ cách làm việc trên mà khi đọc “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về chợ, việc đi chợ và nghề buôn bán của người Việt xưa”, người đọc không chỉ tiếp nhận được nhiều tư liệu quý mà còn hiểu đầy đủ hơn về một bức tranh sinh hoạt phong phú của cha ông.