Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động sửa đổi

Chính phủ xin ý kiến Quốc hội như mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, quy định giờ làm việc.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Ngày 6/8, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp toàn thể lần thứ 14 tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Các thành viên Ủy ban đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, đại diện Ban soạn thảo, cho biết: Tiếp thu ý kiến thẩm tra và phát biểu của các đại biểu Quốc hội, ngay sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật.

Báo cáo việc tiếp thu giải trình đối với một số nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội như: Mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thời gian nghỉ Tết Âm lịch, bổ sung một ngày nghỉ lễ và quy định giờ làm việc trong khu vực Nhà nước...

Ở vấn đề về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, đảm bảo theo 3 nguyên tắc: Chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.

Đối với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hai hướng: Quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ và quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm.

Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ để tránh lạm dụng, bảo vệ sức khỏe của người lao động; đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, về quy định mức lương lũy tiến làm thêm giờ, Ban soạn thảo đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150-200% - 300% so với làm việc vào giờ làm việc bình thường. Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên do hai bên thỏa thuận.

Sau khi nghe báo cáo chi tiết tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến chung quanh một số vấn đề như việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm; việc tăng tuổi nghỉ hưu... Trong đó, đáng chú ý là ý kiến về trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ của Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực, tăng thu nhập cho người lao động là cần thiết.

Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời gian làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động.

“Tiền lương làm thêm giờ cho người lao động cần được tính theo lũy tiến để khắc phục tình trạng doanh nghiệp không tuyển dụng lao động mà huy động làm thêm giờ tràn lan. Cũng cần giới hạn làm thêm giờ tối đa trong tháng tránh người sử dụng lao động vắt kiệt sức người lao động để làm thêm giờ trong một khoảng thời gian dài liên tục,” ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 Chương, 221 điều, giảm 21 điều so với bộ luật hiện hành. Bộ luật sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện, góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.../.

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cho-y-kien-ve-viec-tiep-thu-chinh-ly-du-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi/588665.vnp