Choáng với ngôi làng gói bánh chưng 'thần tốc' chỉ 30 giây xong 1 cái
Những ngày này đến qua rằm tháng giêng, làng nghề bánh chưng Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) luôn hối hả, tất bật hơn bao giờ hết.
Làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ
Những ngày này, không khí ở làng nghề bánh chưng Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) trở nên tất bật và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các ngả đường trong làng, nơi đâu cũng dậy mùi thơm của gạo nếp, đậu xanh.
Nhà nào cũng có lò nấu bánh, ai nấy đều tất bật, mỗi người phụ trách một công đoạn từ rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt làm nhân, gói bánh… tất cả đều tập trung vào công việc của mình. Gói bánh chưng không khó, nhưng từng công đoạn phải thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng.
Không ai nhớ rõ nghề gói bánh chưng ở làng Vĩnh Hòa có từ bao giờ, cứ cha truyền con nối giữ gìn, phát triển cho đến ngày hôm nay. Ở đây, đa số người dân đều gói bánh chưng, lấy đó làm nguồn thu nhập chính.
Chị Phan Thị Khương (làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành) cho biết, đã gắn bó với nghề gói bánh chưng từ khi còn nhỏ. Bình thường, nhà chị Khương gói và bán ra thị trường 2.000 - 3.000 chiếc bánh chưng mỗi ngày. Bước vào vụ Tết, trung bình mỗi ngày gia đình gói gần 5.000 chiếc bánh chưng.
"Gia đình tôi gói bánh chưng quanh năm. Từ đầu tháng 12 thì đơn hàng tăng lên gấp nhiều lần, cao điểm nhất là vào dịp cận Tết. Để có thể làm kịp hàng, thường phải thuê thêm khoảng gần 10 thợ nữa", chị Khương nói và cho biết thêm, bánh chưng Vĩnh Hòa có thương hiệu nổi tiếng bởi chất lượng, vị thơm ngon và độ dẻo không thể lẫn đi đâu được.
"Những người thợ ở đây khác với những người dân gói bánh thông thường, tính trung bình, chúng tôi chỉ mất khoảng 30 giây để gói một chiếc bánh mà không cần khuôn. Nhiều người không tin nhưng chúng tôi làm quá lâu rồi nên việc đó là bình thường", chị Khương tiết lộ.
Chị Khương cũng cho biết thêm, để có được một chiếc bánh chưng ngon không chỉ nằm ở cách chọn nếp, chọn thịt tươi ngon, đỗ xanh bùi quánh, hành tía thật già, mà còn cả những bí quyết gia truyền. Ấy thế nên, cũng là chiếc bánh chưng, cũng từ làng Vĩnh Hòa nhưng mỗi nhà mỗi vị, người ăn tinh ý đều có thể nhận ra bánh ấy của nhà nào. Bánh chưng Vĩnh Hòa ngon là bởi khi ta cắn miếng bánh dư vị dẻo thơm của nếp hòa quyện với vị bùi của đỗ xanh, lại có thêm chút cay của hành tía, ớt tiêu và thơm ngậy của miếng thịt ba chỉ, tất cả tạo nên hương vị của đất trời…
"Tết đến chúng tôi chỉ ngủ tầm 2 - 3 tiếng/ ngày, vất vả thế nhưng không ai kêu ca, vì đó là nghiệp vận vào từ đời cha mẹ mình, đời mình và có thể là của con cháu mình. Có được nghề cha truyền con nối là niềm tự hào của bất cứ người con Vĩnh Hòa nào", chị Khương nói.
Cách đó không xa, gia đình anh Lê Thái Yên cũng đang tất bật với công việc gói bánh. Đang thoăn thoắt gói bánh, anh Lê Thái Yên chia sẻ với phóng viên, mỗi dịp Tết đến, công việc sẽ tất bật hơn khi có nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Từ 15/12 âm lịch trở đi, 7- 8 người trong gia đình anh phải làm xuyên cả ngày đêm khi đơn đặt hàng tăng lên.
Chia sẻ thêm về bí quyết giữ nghề, anh Yên cho biết, ngoài bí quyết gia truyền làm bánh chưng, các đời, các hộ theo nghề làm bánh ở đây đều bảo nhau phải giữ gìn chữ tín. "Người làm bánh chưng Vĩnh Hòa chúng tôi nhất quyết nếu bánh không ngon thì không bán, bán ra thì trăm cái như một, đều có hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được", anh Yên nói.
Mỗi dịp Tết, gia đình tôi gói tầm 10.000 nghìn chiếc bánh, trong đó có khoảng 4.000 chiếc phục vụ cho lễ cúng ông Công, ông Táo, số còn lại dành cho những ngày Tết. Sau khi gói xong, bánh được đun liên tục 8-10 tiếng, sau đó đợi than tàn, nước nguội để bánh chín đều từ trong ra ngoài. Nếu vớt bánh khi nước còn nóng, vỏ bánh sẽ bị cháy, màu bánh không xanh. Bánh vớt ra, rửa sạch, ép hết nước xong mới giao hàng cho khách", anh Lê Thái Yên nói.
Giữ hồn quê lúa
Những ngày cận Tết, công việc của người dân làng Vĩnh Hòa bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng mỗi ngày. Trong làng Vĩnh Hòa, già, trẻ, gái, trai đều được phân công nhiệm vụ, người thì ngâm gạo, người gói bánh, chẻ lạt, cắt lá… Khắp làng quê, ngõ xóm, sân nhà nào cũng chất đầy lá dong, mùi bánh tỏa ra thơm ngát.
Ông Hoàng Mạnh Linh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, huyện Yên Thành cho biết, bánh chưng là sản vật đặc trưng trong dịp Tết của người Việt nên hầu như ai cũng biết làm. Bởi vậy, để bán được bánh và giữ được khách suốt cả trăm năm qua, người làm bánh chưng ở Vĩnh Hòa phải có bí quyết riêng.
Hơn 200 hộ dân ở Vĩnh Hòa nhà nào cũng làm bánh chưng để bán hoặc để ăn trong những dịp lễ, Tết. Thế nhưng, để hành nghề một cách chuyên nghiệp thì chỉ có khoảng 80% số hộ dân. Cũng có gia đình cha truyền con nối đến 3 đời.
Cũng theo ông Linh, Vĩnh Hòa được công nhận làng nghề vào năm 2005. Hiện, bánh chưng xanh từ nếp làng này đã lên "chợ mạng", lan tỏa muôn nơi. Bây giờ, người làng đã thông thạo nhận đơn đặt hàng qua các trang mạng xã hội, thế nên nguồn thu nhập từ nghề bánh lúc nào cũng ổn định. Đặc biệt, mỗi dịp lễ Tết đến là cả làng gói không kịp tay. Không chỉ tự hào về làng nghề truyền thống, đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động mà bánh chưng Vĩnh Hòa còn đang lưu giữ và lan tỏa nghề truyền thống của địa phương.
Thời điểm này các hộ gia đình đã lên kế hoạch chuẩn bị đủ nguyên liệu, cao điểm là tháng 12 âm lịch cho đến 29 Tết để sản xuất kịp đơn hàng. Địa phương cũng nhắc nhở các hộ gia đình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vững truyền thống chất lượng làng nghề.
Ngày nay, bánh chưng Vĩnh Hòa đã tỏa đi khắp nơi, Sài Gòn, Hà Nội, Vĩnh Phúc… thậm chí lên tận Hà Giang. Đặc biệt, có người còn cấp đông để gửi đi nước ngoài, giúp con cháu xa quê cảm nhận được vị Tết quê hương. Rời Vĩnh Hòa, khi khắp các ngõ làng, mùi hương bánh chưng lan tỏa. Tết có lẽ đến sớm hơn đối với người dân nơi đây, ai cũng hân hoan trong niềm vui vì những chiếc bánh chưng chứa đựng niềm hy vọng về cái Tết ấm no, đủ đầy.
Thương hiệu bánh chưng Vĩnh Hòa ngày càng uy tín không chỉ bởi bánh rất ngon, mẫu mã đẹp và đặc biệt nhất là đảm bảo vệ sinh, an toàn. Bánh chưng nơi đây mang bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân tại vựa lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An.