Chơi chợ rồi... vào bản
Quãng thời gian 20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để miền đất biên cương này có nhiều thay đổi rõ nét. Mấy năm trở lại đây nhờ có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà người đến với Lai Châu đã nhiều hơn và cũng nhiều háo hức hơn.
Mải mê ngắm cảnh và quay phim chụp ảnh trên đèo Ô Quy Hồ nên chiều muộn chúng tôi mới tới thành phố Lai Châu. Ánh ngày dần phai, đổ xuống quảng trường thành phố là những bóng núi thâm u nhưng trong sân khu hành chính của tỉnh dường như chưa thấy dấu hiệu của một ngày làm việc đã hết. Khu hành chính có diện mạo mới vô cùng bề thế. Những tòa nhà sừng sững như “đọ dáng” với những đỉnh núi bao quanh thành phố trẻ.
Chơi chợ San Thàng
Cô Thùy Vân, cán bộ Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu là người đưa chúng tôi tới thăm những địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Với thời gian eo hẹp nên cô Thùy Vân cho chúng tôi biết lịch trình: “Sáng mời các cô chú đi chơi chợ San Thàng. Chiều vào thăm bản Du lịch cộng đồng ở xã Bản Hon, còn buổi tối mời các cô các chú tới nhà hàng Biên cương ở ngay trung tâm thành phố”.
Chợ phiên San Thàng cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Chợ nằm ở phía sau dãy phố bên trái, phố thị San Thàng ngay trên quốc lộ 4D, tuy nho nhỏ mà vẫn “đủ đầy” với những ngôi nhà cao 4, 5 tầng tủ kính sáng choang, san sát cửa hàng cửa hiệu. Cô Thùy Vân cho biết: “Hôm nay đúng ngày chợ phiên. Tuy là chợ dân sinh nhưng vì có buôn bán trao đổi một số mặt hàng “đặc biệt” nên rất đông người từ các xã các bản quanh vùng đến chơi, mua bán. Điều đặc biệt đó mới chính là điều kiện để chợ được tỉnh xếp vào danh sách các điểm du lịch”.
Chợ San Thàng họp vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần. Khi chúng tôi bước vào chợ đã thấy người vào ra, tấp nập mua mua bán bán và thoạt nhìn cứ ngỡ đang lạc vào một vườn xuân bởi trong chợ rực rỡ sắc màu trang phục của đồng bào các dân tộc vùng cao. Những người tới chợ phần lớn là đồng bào các dân tộc quanh vùng.
Cô Thùy Vân cho biết: Tới chợ vào phiên chủ nhật mới thấy hết được nét đặc sắc của chợ.
Nghe cô Thùy Vân nói vậy tôi bèn gặng hỏi cho ra nhẽ. Thì ra điều đặc biệt của chợ San Thàng là khu vực bán hàng váy áo và vải thổ cẩm. Vào phiên ngày chủ nhật sẽ thấy ngay chính giữa chợ là một “rừng” váy áo cùng vải thổ cẩm. Đó đều là sản phẩm do chính người dân các dân tộc làm ra, thêu thùa và may cắt. Rồi cô sVân nói thêm: “Các cô các chú cứ hình dung khu vực này giống như một trung tâm thời trang hay một siêu thị bán quần áo may sẵn vậy. Tuy đều diễn ra ở ngoài trời nhưng thế mới độc đáo các cô các chú ạ”.
Tôi thấy ngay trước mắt mình vô vàn là váy, là áo, là vải thổ cẩm. Những chiếc váy của các dân tộc đều như hội tụ về đây, chúng được mắc, được treo trên những giá treo hàng hóa dài thành nhiều dãy. Lân la đến một “quầy” bán váy, tôi níu tay một cô gái Mông trẻ để... hỏi tên cô. Cô gái ngượng ngùng lấy tay che mặt. Cô Thùy Vân cười bảo: “Các chú hỏi tên hỏi tuổi sẽ chẳng ai nói cho biết đâu. Người dân tộc họ ý tứ lắm”. Tôi đành cười trừ, rất may cuối cùng cũng có mấy cháu gái nhỏ đồng ý chụp ảnh với một cô trong đoàn.
Được biết, ở chợ phiên mọi người dường như đều quen nhau cả nên không khí thật gần gũi. Các cô gái, chàng trai người Lự, người Mông hay người Dao, đều có cái cớ riêng để tới chợ. Còn với nhiều người tới chợ đã trở thành một nếp sống. Bởi vậy ngày thường chợ vốn vắng vẻ, hiu quạnh nhưng đến phiên, chợ San Thàng lại nhộn nhịp, đông vui, rộn rã sắc màu lạ thường.
Vào Bản Hon
Xã Bản Hon, huyện Tam Đường, là điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi. Tiết trời Tây Bắc vẫn đậm sắc xuân, trải ra trước mắt chúng tôi là những vạt đồi chè xanh ngút ngàn. Cùng với những ruộng lúa xanh rờn màu lá. Nhớ chiều tối qua khi làm việc với một số cán bộ ở Văn phòng ủy ban tỉnh chúng tôi được giới thiệu: “Người Bản Hon từ khi có thêm cây chè thì tập tục lao động đã có nhiều thay đổi, đời sống khấm khá hẳn lên đã tạo thêm thuận lợi cho việc xây dựng nông thôn mới”.
Người đón chúng tôi ở ngay cổng trụ sở ủy ban xã là một người đàn ông ngoài 50 tuổi. Cô Thùy Vân vốn rất quen thuộc với xã Bản Hon nên vui vẻ giới thiệu ngay: “Đây là chú Tao Văn Si - Phó Chủ tịch MTTQ xã Bản Hon”. Ông Tao Văn Si đón tiếp chúng tôi rất thân thiện.
Ông Si cho biết: “Xã Bản Hon hiện có hơn 100 ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên trạng, cùng với nghề dệt thổ cẩm và tập tục sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Lự”. Chúng tôi được biết thêm: Xã Bản Hon nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu hơn 10km và nằm trên tuyến du lịch “vòng cung Tây Bắc”, cách điểm du lịch Sa Pa không xa, đường đi thuận lợi là lợi thế giúp Bản Hon thu hút khách du lịch. Đến với Bản Hon, khách du lịch sẽ được khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân bản địa.
Nói rồi ông Tao Văn Si dẫn chúng tôi vào bản Hon 1, xã có mấy bản Hon nên được đánh số thứ tự. Con đường trong bản được trải bê tông sạch sẽ. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn, cô Thùy Vân cho hay: “Những ngôi nhà sàn này đều được bà con chuyển đổi thành Homestay để đón khách du lịch. Đến thăm bản, du khách sẽ được nghỉ ở trong những ngôi nhà đó và cùng ăn cùng làm với bà con”.
Rồi cô Vân quảng bá: “Nếu có thời gian thì các cô các chú sẽ được nghe các bà, các chị hát những làn điệu dân ca Lự êm dịu, những tiết mục ca múa do chính những chàng trai cô gái trong bản biểu diễn với các loại nhạc cụ như: trống, chiêng, sáo mẹ, sáo con hoặc được thưởng thức những món ăn dân tộc Lự do bà con nấu”.
Chúng tôi được ông Si hướng dẫn lên thăm một nhà sàn, vừa bước lên mấy bậc cầu thang chúng tôi đã gặp ngay một cụ bà đang ngồi vấn khăn chùm đầu. Ông Si cất tiếng chào bà cụ rồi quay sang nói với chúng tôi: “Cụ Mẩy đây đã ngoài 90 nhưng cụ còn minh mẫn lắm”.
Cụ Mẩy gật đầu cười phô hàm răng đen bóng. Cô Thùy Vân đang giúp cụ Mẩy vấn khăn cũng nói thêm: “Thuở trước người phụ nữ dân tộc Lự có tục nhuộm răng đen. Giờ các cô các chị đều để răng trắng cả”. Ông Tao Văn Si cười: “Tập tục cái nào hay thì giữ còn cái nào không hay thì bỏ các anh ạ”.
Xã Bản Hon có 9 bản thì chỉ có một bản là người Mông, còn là đều là bản người Lự. Bởi thế xã Bản Hon còn được gọi là “xã của người Lự”.
Ông Si cho biết: “Bà con người Lự có tập quán ăn cơm nếp và dệt cửi. Người Lự nổi tiếng với tài dệt vải. Mỗi gia đình thường có vài ba khung cửi”. Đến đây chúng tôi được biết chị em người Lự một khi chưa mặc đủ trang phục của dân tộc mình thì chưa ngồi vào khung cửi, nhất là chiếc khăn chùm đầu.
Mặt trời đang khuất dần sau dãy núi. Chúng tôi cũng đến lúc phải về thành phố. Nắm chặt tay ông Tao Văn Si chúng tôi hẹn sẽ sớm quay lại Bản Hon và lần sau nhất định sẽ ngủ đêm ở bản, để nghe ông Si kể về Lễ hội Căm Mường của bản mình, của người Lự mình.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/choi-cho-roi-vao-ban-5711603.html