Chơi chữ ngày Xuân
Mùa Xuân đến, người Việt trở về với những nét đẹp văn hóa trong phong tục đón Tết của dân tộc. Theo thời gian, tục chơi chữ ngày Xuân đã có sự phát triển để bắt kịp yêu cầu cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn giữ được tinh thần, hồn cốt của văn hóa Việt Nam.
Ông Trịnh Hòa Nam (người cao niên ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) nhớ lại: “Ngày trước, mỗi dịp Xuân về, người ta tranh thủ đi “xin chữ” của những vị biết chữ Hán, qua hình thức câu liễn đối. Vì sự hạn chế về điều kiện thời đó, chữ viết chủ yếu trên giấy hồng đơn bằng mực tàu hoặc nhũ huỳnh. Ngày Tết, có những tấm liễn đối dán trong nhà khiến cho không khí vui tươi hơn hẳn. Có gia đình vì trọng chữ nghĩa, bữa cơm Tết có thể kém tươm tất chứ cũng cố gắng tìm được cặp đối liễn để dán ở cửa lớn, như một cách gửi niềm mong ước cho năm mới”.
“Hồi trước, đầu tháng Chạp là nhiều gia đình đã rục rịch đi “xin chữ”. Vì văn hóa xem trọng chữ nghĩa, nên người viết lẫn người xin chữ đều trân trọng từng câu liễn đối. Họ xem đó là lời chúc Tết ấm áp, trang trọng mà cũng để “tống cựu, nghênh tân”, bỏ qua những điều không hay, chào đón sự tốt lành trong năm mới” - ông Trịnh Hòa Nam giải thích thêm.
Trong trí nhớ của cụ ông gần 90 tuổi này, vẫn còn mường tượng những câu đối được viết trên giấy bóng bằng mực nhũ huỳnh rất đẹp. Thời ấy, gia đình dư dả mới treo liễn đối giấy bóng viết bằng mực nhũ huỳnh, nên nó cũng thể hiện một phần điều kiện kinh tế của gia chủ. Dù gọi là “xin chữ”, nhưng người được nhận cũng có chút trà nước biếu người cho chữ, như một hình thức đề cao tri thức và đạo học của người Việt từ xưa.
Thời “xin chữ” đi qua, người ta vẫn thích treo liễn đối trong nhà dịp Tết. Những ai từng sống ở TP. Long Xuyên vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước vẫn còn nhớ hình ảnh phố “ông đồ” tại chợ Mỹ Long. May mắn chứng kiến những “ông đồ” với hoa tay khéo léo cho ra nét chữ đậm tính nghệ thuật, anh Hồng Phú (Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang) đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành “ông đồ” thời hiện đại.
“Tôi kế thừa niềm đam mê thư pháp từ người mẹ Lý Ngọc Thoại của mình. Bằng kỹ pháp được trao truyền từ mẹ, tôi tiếp cận thêm phong cách thư pháp hiện đại. Thật ra, các cụ ngày xưa kiến thức uyên thâm, nhưng kỹ pháp rất đơn giản. Mặt khác, do các cụ viết chữ Hán nên nhiều người đôi lúc chưa hiểu hết ý nghĩa của những câu liễn đối. Theo thời gian, thư pháp được hiện đại hóa với nhiều kỹ pháp mới. Bây giờ, người ta cũng “Việt hóa” tục chơi chữ ngày Xuân bằng chữ quốc ngữ, nên bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được” - anh Hồng Phú chia sẻ.
Gần 20 năm theo đuổi niềm đam mê thư pháp, anh Hồng Phú đã trở thành “ông đồ” thời hiện đại đúng nghĩa. Việc có nhiều người tham gia Câu lạc bộ thư pháp Nhà Văn hóa Lao động tỉnh giúp anh có thêm động lực để mang thư pháp đến với mọi người. Càng nhiều người yêu thích thư pháp, Hồng Phú lại càng cố gắng nâng cao kỹ pháp để phục vụ họ, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về.
“Bên cạnh ý nghĩa gửi gắm ước mơ của gia chủ trong năm mới, thư pháp hiện nay còn được biết đến như một cách tự rèn bản thân của người viết và người nhận chữ. Một chữ “tâm”, chữ “nhẫn”… trong thư phổ đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn, giáo dục con người phải sống đúng như tinh thần của nó. Do đó, tục chơi chữ ngày Xuân đang trở lại với sức sống mới, theo một cách thưởng thức vừa phảng phất yếu tố truyền thống, vừa thể hiện tính hiện đại” - anh Hồng Phú giải thích.
Không chỉ đơn thuần sáng tạo thư pháp trên giấy, những “ông đồ” thời nay như Hồng Phú có thể tạo ra tác phẩm trên nhiều nền vật liệu, như: Vải, đá, lá bồ đề. Do đó, người ta không còn “xin chữ” cho riêng mình mà có thể biếu, tặng những món quà rất ý nghĩa cho người thân, bè bạn, đối tác… trong những ngày Xuân thay cho lời chúc tốt đẹp trong năm mới.
Ngày nay, hoạt động viết thư pháp thường xuất hiện ở nhiều sự kiện mừng năm mới và được nhiều người đón nhận. Những nét chữ “như phượng múa, rồng bay” luôn nhận được sự yêu thích của nhiều người, kể cả những bạn trẻ. Bạn Vân Anh (ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), chia sẻ: “Tôi rất thích xem các “ông đồ” viết thư pháp, bởi những đường nét của chữ rất đẹp. Tôi nghĩ, không phải ai cũng tạo ra được tác phẩm thư pháp đẹp như vậy. Mỗi năm, tôi thường mua tranh thư pháp về treo trong nhà, hoặc tặng cho bạn bè, người thân thay cho lời chúc tốt đẹp trong năm mới”.
Theo thời gian, tục chơi chữ ngày Xuân đã có sự phát triển phù hợp với guồng quay của cuộc sống hiện đại. Với sự Việt hóa, sáng tạo dựa trên tính truyền thống của những “ông đồ”, đã giúp cho mỗi người cảm nhận được cái đẹp, nguồn năng lượng tích cực khi được ngắm, được tặng tác phẩm thư pháp. Do đó, chúng ta cần trân trọng nét đẹp văn hóa này, để mỗi dịp Tết đến, Xuân về, sẽ lại treo trong nhà bức tranh thư pháp mang hồn cốt của văn hóa Việt Nam.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/choi-chu-ngay-xuan-a387540.html