Chọn cổ phiếu nào đón sóng nâng hạng?
Sóng nâng hạng đã rất gần. Theo dự báo từ Dragon Capital, dòng tiền nước ngoài sau nâng hạng sẽ rất tích cực, có thể đạt 2,5– 7,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư chủ động toàn cầu.
Xu hướng dòng tiền tháng 7 tập trung ở các nhóm cổ phiếu nào?
Tâm điểm của thị trường chứng khoán tháng 7 là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II - yếu tố được kỳ vọng tạo ra sự phân hóa mạnh dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu trong tháng.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) trong báo cáo mới đây ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán quý II/2025 sẽ tăng trưởng khoảng 13-15%.
Trong đó, dẫn dắt chung vẫn là nhóm Ngân hàng nhờ tăng trưởng tín dụng khả quan, biên lãi ròng ổn định và chí phí trích lập dự phòng giảm. Nhóm Xây dựng và Vật liệu xây dựng cũng được kỳ vọng là sẽ ghi nhận những điểm sáng trong KQKD quý II nhờ thị trường bất động sản hồi phục, nhiều dự án mới mở bán và hàng loạt dự án đầu tư công đang tăng tốc trong 2025. Nhóm Vận tải - Logistic có thể tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhờ tình hình đơn hàng nhập khẩu gia tăng trước thời điểm chính thức ban hành thuế quan của Mỹ. Ngoài ra, nhóm Dịch vụ hàng tiêu dùng và bán lẻ kỳ vọng sẽ đạt được lợi nhuận ấn tượng.
Ở chiều ngược lại, nhóm Bất động sản khu công nghiệp, Bất động sản dân cư, Dầu khí khả năng chưa có quá nhiều khởi sắc về lợi nhuận trong quý này.
Về xu hướng dòng tiền, dự báo dòng tiền sẽ tập trung mạnh hơn vào các cổ phiếu có KQKD vượt kỳ vọng và tăng trưởng lợi nhuận rõ rệt, tại một số nhóm ngành như Tài chính, Dịch vụ tiêu dùng, Nguyên vật liệu... Trong đó, các cổ phiếu Ngân hàng được đánh giá dù không tăng quá mạnh, vẫn là “xương sống” của thị trường nhờ kỳ vọng tín dụng hồi phục và mặt bằng lãi suất ổn định.
Dòng tiền đầu cơ có khả năng quay lại với nhóm Viễn thông và Công nghệ thông tin sau chuỗi giảm sâu từ đầu năm. Viễn thông tăng mạnh trong tháng 6 nhờ kỳ vọng vào các mảng doanh thu mới như hạ tầng số, còn Công nghệ thông tin bắt đầu hồi phục nhẹ, nhưng tính bền vững của xu hướng vẫn cần kiểm chứng thêm qua kết quả kinh doanh thực tế.
Một số nhóm ngành mang tính phòng thủ như Dược phẩm – Y tế, Tiện ích cộng đồng và Hàng tiêu dùng duy trì được sự ổn định nhưng chưa có đột phá rõ rệt về dòng tiền.
Về triển vọng khối ngoại, sau khi giảm mạnh từ vùng 16,6% xuống dưới 16,1% trong quý I, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã ổn định quanh 16,2% trong tháng 6, thậm chí có xu hướng nhích nhẹ lên cuối tháng. TPS đánh giá lực bán đã chững lại và khối ngoại có dấu hiệu giữ vị thế, không còn rút vốn mạnh khỏi thị trường Việt Nam như giai đoạn trước.
Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường cho cả năm 2025 được dự báo ở mức hai chữ số được xem là yếu tố hỗ trợ cho định giá hiện tại dù chỉ số VN-Index đã hồi phục khá mạnh trong hai tháng gần đây.
VN30 và VNINDEX đang ở vùng định giá hợp lý, có thể là bệ đỡ cho thị trường nếu kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận được duy trì. VNMID và VNSML đang đắt hơn về P/E, nhưng vẫn có cơ hội lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện tăng trưởng đặc biệt (hưởng lợi đầu tư công, bán lẻ phục hồi, IPO…).
Khuyến nghị một số cổ phiếu đáng chú ý
Liên quan đến câu chuyện thuế quan, trong khi có thêm một số tín hiệu tích cực về thỏa thuận thương mại, các chi tiết về mức thuế và điều khoản kèm theo vẫn chưa rõ ràng. Do vậy, TPS gợi ý nhà đầu tư nếu ưa thích nhóm cổ phiếu Xuất khẩu nên chọn lọc những doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao, chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước và kiểm soát chuỗi cung ứng tốt. Bên cạnh đó cũng cần theo dõi sát thông tin chính thức từ Chính phủ và biên bản thương mại để phản ứng kịp thời khi có chi tiết cập nhật về mức thuế chính xác đối với các mặt hàng cụ thể.
Một số cổ phiếu đáng chú ý liên quan đến câu chuyện thuế quan sẽ là nhóm xuất khẩu, bao gồm TCM, FMC, VHC, PTB và TLG và nhóm BĐS KCN bao gồm PHR, DPR, IDV...
Sóng nâng hạng cũng được dự báo sẽ tác động tích cực đến triển vọng dòng vốn ngoại nói riêng và triển vọng toàn thị trường nói chung. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong cuộc họp báo mới đây đã bày tỏ tin tưởng về khả năng Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi (Emerging) theo hệ thống phân loại của FTSE Russell vào kỳ đánh giá tháng 9 tới đây.
Theo dự báo từ Dragon Capital, dòng tiền nước ngoài sau nâng hạng sẽ rất tích cực, có thể đạt 2,5– 7,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư chủ động toàn cầu.
Với sóng nâng hạng gần kề, các chuyên gia gợi ý chiến lược đầu tư tập trung vào cổ phiếu bluechip hưởng lợi từ dòng tiền ngoại. Ưu tiên cổ phiếu có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao, thanh khoản tốt, và room còn đủ để hấp thụ dòng tiền. Một số cổ phiếu gợi ý là nhóm các cổ phiếu Chứng khoán bao gồm SSI, HCM, VIX, VCI, SHS..., cùng một số cổ phiếu khác như VJC và SAB...
Liên quan đến nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ thị trường BĐS phục hồi, các chuyên gia tiếp tục giữ nguyên khuyến nghị với các cổ phiếu DXS, QCG, ITC, NLG, DXG, HDG, đồng thời bổ sung mã HPG.
Về một số cổ phiếu có câu chuyện riêng, TPS cho biết ưa thích nhóm cổ phiếu otô – xe máy nhờ câu chuyện Luật mới tăng cường tiêu chuẩn khí thải sẽ thúc đẩy nhu cầu mua xe mới của người dân, đồng thời giữ khuyến nghị cổ phiếu trong danh mục là VEA và HAX.
Bên cạnh đó, câu chuyện nhu cầu điện kỷ lục trong 2025 vẫn tiếp tục và nhóm khuyến nghị POW với câu chuyện nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 năm nay
Nhìn chung, nhóm phân tích cho rằng dòng tiền sẽ ưu tiên vào nhóm cổ phiếu có hiệu quả hoạt động vượt trội, nền tảng tài chính lành mạnh và tiềm năng tăng trưởng rõ nét thay vì chạy theo xu hướng lan tỏa diện rộng.
Với bức tranh phân hóa này, chiến lược đầu tư trong tháng 7 nên tập trung vào chọn lọc nhóm ngành dẫn dắt đang tích lũy để bứt phá, đồng thời nắm giữ cổ phiếu có câu chuyện riêng, hưởng lợi từ chính sách vĩ mô hoặc kết quả kinh doanh quý II khả quan.
Những nhóm ngành đã tăng nóng trong 6 tháng đầu năm có thể bước vào giai đoạn tích lũy hoặc điều chỉnh nhẹ, tạo cơ hội cho dòng tiền luân chuyển sang các nhóm chưa tăng nhiều. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu đã phản ánh trước kỳ vọng quý II, do vậy, nếu kết quả không như mong đợi, thị trường có thể xuất hiện đợt điều chỉnh ngắn hạn, đặc biệt tại nhóm mid/small-cap tăng nóng.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chon-co-phieu-nao-don-song-nang-hang.html