Chọn lợi thế của hòa giải thương mại trong xử lý tranh chấp

Hòa giải thương mại đã không còn là phạm trù mới trong giải quyết các tranh chấp về hợp tác.

Toàn ảnh hội thảo Hòa giải thương mại - phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Nguồn: VCCI cung cấp

Toàn ảnh hội thảo Hòa giải thương mại - phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Nguồn: VCCI cung cấp

Trong chặng đường kinh doanh gập ghềnh, việc nảy sinh tranh chấp là điều không thể tránh khỏi, điều quý giá nhất là mối quan hệ giữa những đối tác, khách hàng sẽ cần được hóa giải những khúc mắc phát sinh như thế nào để giúp các bên giải quyết được tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Đây là nội dung chính được đề cập tại sự kiện Hòa giải thương mại – Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả được tổ chức ngày 11/5 tại Hà Nội.

Sự kiện do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023).

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, hòa giải thương mại hiện được sử dụng rất phổ biến; đặc biệt, là ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển và được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, nó bảo đảm được quyền tự quyết của các bên, mang tính chất tự nguyện và thân thiện, không có người thắng kẻ thua mà hai bên cùng thắng.

Hòa giải vừa giải quyết được công việc một cách êm đẹp, lại vừa duy trì được quan hệ đối tác bền vững và chung thủy. Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải vừa giúp lưu giữ mối quan hệ êm đẹp, vừa nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Từ năm 2018, Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã tích cực quảng bá, thúc đẩy phương thức hòa giải thương mại. VMC đã tiếp nhận và giải quyết được một số vụ tranh chấp theo thủ tục hòa giải thông thường và thủ tục hòa giải kết hợp trọng tài.

Thực tiễn ở VMC cho thấy việc kết hợp hòa giải với trọng tài là một quy trình ưu việt được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hiện nay, VMC có đội ngũ 58 hòa giải viên; trong đó có 13 hòa giải viên là người nước ngoài. Họ là những chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực ở trong nước và quốc tế.

“Trong bối cảnh khung pháp luật và thực tiễn hoạt động hòa giải thương mại và trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế mang lại những lợi ích kinh tế, thương mại to lớn, việc gia nhập Công ước Singapore về hòa giải sẽ mạng lại những tác động tích cực và vị thế lớn cho hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam, đồng thời sẽ có những khó khăn thách thức nhất định nếu Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Cùng với Chủ tịch VIAC, các diễn giả tham gia sự kiện đã trình bày về: Bức tranh hòa giải thương mại tại Việt Nam và kinh nghiệm thực tiễn tại nước ngoài; Triển vọng của hòa giải thương mại Việt Nam - Một lựa chọn, đa lợi ích...

Theo đó, tập trung thảo luận và chia sẻ ý kiến, quan điểm về phương thức hòa giải thương mại từ đa góc nhìn như đại diện các cơ quan nhà nước, đại diện các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, luật sư trong nước và nước ngoài…

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), phương thức giải quyết tranh chấp là chỉ số quan trọng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng tố tụng tại Việt Nam. Phương thức trọng tài và hòa giải được đánh giá cao, hiện nay trong thương mại quốc tế hầu hết các tranh chấp đều được đưa ra giải quyết tại các cơ quan trọng tài là chủ yếu.

Nhưng ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp sử dụng phương thức trọng tài còn hạn chế nguyên nhân là do còn nhiều hạn chế về nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp, năng lực hệ thống trọng tài, thông tin về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chưa được phổ cập đến cộng đồng doanh nghiệp và đến các cơ quan liên quan.

Lợi thế phương thức trọng tài hay ngoài tòa án nói chung so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thân thiện hơn, nhanh chóng và thuận lợi hơn, xét xử ở phương thức này thường tôn trọng tối đa quyền tự quyết ở các bên, được quyền lựa chọn cơ quan trọng tài xét xử, luật pháp và ngôn ngữ để sử dụng, địa điểm và quan trọng là được lựa chọn trọng tài để xét xử không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Có tính bảo mật cao, thông tin kinh doanh sẽ không được tiết lộ nhằm giữ uy tín ở các bên. Cuối cùng là phán quyết ở trọng tài có hiệu lực thi hành giống bản án của tòa án, được cơ quan thi hành án thúc đẩy thi hành và được áp dụng trên 170 nước trên thế giới theo công ước thế giới về trọng tài.

Được biết, Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023) được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Câu lạc bộ luật sư Thương mại Quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại cả Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 08/5/2023 đến hết ngày 12/5/2023 với gần 20 sự kiện hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Năm nay, VAW có sự tham gia, phối hợp của hơn 60 đối tác cùng sự tham gia của gần 80 chuyên gia trong nước và quốc tế, hi vọng sẽ thu hút được hàng nghìn lượt tham dự./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cho-n-lo-i-the-cu-a-ho-a-gia-i-thuong-ma-i-trong-xu-ly-tranh-cha-p/290855.html