Chọn mặt gửi vàng

Đón Giao thừa mừng xuân Tân Sửu 2021, sau khi đốt nén hương dâng tiên tổ, ngắm ánh pháo mừng xuân từ Công viên Thống Nhất và hồ Hoàn Kiếm rực bầu trời Hà Nội, gia đình tôi họp mặt. Đáp lời chúc của con cháu, tôi nói vui: 'Nguyên đán đã vào tháng 2 dương lịch. Cầu trời cho ông vẫn bình an mạnh khỏe thì chỉ mấy tháng nữa thôi, đến ngày Chủ nhật 23/5/2021, ông sẽ cùng mọi người đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa XV. Đó là lần thứ 15, những người thuộc thế hệ ông được cầm lá phiếu làm nghĩa vụ công dân một nước độc lập. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói 75 năm trước, đó 'là một ngày vui sướng của đồng bào ta vì là ngày Tổng tuyển cử', một ngày mọi người đều được 'hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do'.

 Tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - Ảnh: TL

Tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - Ảnh: TL

Một đời người mà được hưởng những 15 “ngày vui sướng”, có hạnh phúc nào lớn hơn cho thế hệ người Việt Nam tuổi ngoại cửu tuần! Một đời người được 15 lần cầm lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội của mình. Lần đầu là chàng trai mới lớn, tay cầm lá phiếu mà chân cứ muốn nhảy tung tăng, và lần này là ông già lụ khụ sáng chiều nếu cần tản bộ đón chút gió trời thì tay phải cầm chiếc gậy mới thật yên tâm rảo bước. Mỗi lần người dân đi bỏ phiếu sau 5 năm, bầu ra nhiệm kỳ Quốc hội mới, trong 5 năm ấy đất nước ta trải bao thay đổi, thăng trầm. Cũng như đời người ai cũng có vui buồn chen lấn, thời cuộc thế giới ngày nay diễn biến khó lường, mỗi lần đi bỏ phiếu mỗi người có những cảm xúc khác nhau, rốt cuộc cái chung vẫn là hào hứng, và đối với cụ già tuổi ngoại chín mươi, lần này còn hào hứng y hệt lần đầu, ngày 6 tháng 1 năm 1946.

Như nhiều người đã biết, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 3/9/1945, ngay hôm sau lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất mấy công việc lớn và khẩn cấp của Chính phủ. Trong đó có việc tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc. Một sự kiện chính trị quan trọng, lúc đầu dự kiến làm vào cuối năm 1945, sau vì công việc quá bộn bề chuyển sang đầu năm mới, ngày 6/1/1946. Nửa thế kỷ sau ngày trọng đại ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với bao khó khăn đang chồng chất, lại dám tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử thật sự dân chủ như nước Việt Nam ta hồi ấy”.

Có một điều ngày nay chắc chẳng mấy ai quan tâm ngoài các cháu học sinh học môn sử: Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, 95% dân số nước Việt Nam mù chữ, tỉ lệ mù chữ cao nhất là ở các vùng quê. Do đó đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi tại Ủy ban dự thảo Hiến pháp 1946. Dự thảo Hiến pháp năm 1946 quy định: “Mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, không có sự hạn chế nào về thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, mức sở hữu tài sản cũng như trình độ học vấn của mỗi người”. Tuy nhiên, để được làm một cử tri tự tay mình cầm lá phiếu bầu Quốc hội, công dân có cần phải biết đọc biết viết thành thạo tiếng Việt hay không? Có hai ý kiến trái chiều, gợi nên tranh luận sôi nổi tại Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Hồ Chủ tịch tham dự buổi họp, xin lấy tư cách một công dân phát biểu ý kiến: “Đồng bào ta hiện nay đa số dù mù chữ nhưng mọi người đều yêu nước, ai cũng khát khao dân chủ nên chắc chắn người ta biết chọn mặt gửi vàng. Người ta chưa thể tự mình viết lá phiếu bầu, thì Ban cử tri giúp. Có gì khó lắm đâu?”. Ý kiến của Bác Hồ được toàn thể các thành viên trong Ủy ban nhất trí.

*

Cách đây ba phần tư thế kỷ tại quê hương Quảng Trị gió nồng cát trắng, đất đỏ lòng vàng, tôi không chỉ sẵn sàng đi bỏ phiếu bầu với tư cách công dân mà còn làm một anh cán bộ phục vụ Ban bầu cử xã. Tôi không nhớ lần ấy tỉnh Quảng Trị ta với chỉ tiêu bầu ba Đại biểu Quốc hội có bao nhiêu người ra ứng cử. Nhưng tên ba ứng cử viên do Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh giới thiệu thì thuộc lòng từ những ngày ấy đến hôm nay: Quỳ - Thí - Hiếu.

Tại Quảng Trị những ngày chuẩn bị bầu cử, các đoàn thể Phụ nữ, Nông hội, Thanh niên... đều có các cuộc họp riêng, nghe giới thiệu danh sách những người ứng cử rồi trao đổi ý kiến với nhau: Ta nên chọn ba vị nào đây trong số các ứng cử viên mà gửi gắm niềm tin của mình? Cuộc họp nào cũng nhao lên mấy câu hỏi từ tựa như nhau: Ông ấy, bà kia là ai, mà nghe cái tên lạ hoắc? Còn ba ông này thì chúng ta đều biết cả rồi. Các ông làm cách mạng vào tù ra tội, có người còn bị đày lên chốn rừng xanh nước độc lao động khổ sai, chết sống khôn lường. Họ là những người tận tụy vì nước vì dân. Ông này tháng trước có về thăm, nói chuyện với bà con xã mình đó…

Thế là sau những trao đổi thoải mái và sôi nổi, hầu như mọi người dự các cuộc họp ấy cùng chia sẻ một ý kiến: Mình sẽ bỏ phiếu cho ba ông này: Quỳ, Thí, Hiếu. Để khỏi lầm lẫn bà con ước hẹn với nhau: Chả cần phải nhớ đầy đủ tên họ từng người làm chi, thuộc tên thôi là được, bởi họ tên các vị đã có trong danh sách các ứng cử viên rồi.

Quỳ, Thí, Hiếu - ba vị là ai?

Quỳ, tên đầy đủ Trần Mạnh Quỳ, sinh năm 1911 người xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Ông tham gia hoạt động cách mạng sớm, vào Đảng Cộng sản năm 1934, một thời gian sau được xứ ủy bầu làm Xứ ủy viên Trung Kỳ. Sau nhiệm kỳ Quốc hội I, ông tham gia Quốc hội hai nhiệm kỳ nữa. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ông công tác tại Bộ Quốc phòng. Hòa bình lập lại ông làm Phó Ban Kiểm tra Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước cho đến ngày nghỉ hưu.

Thí, tên khai sinh Đặng Thí, sinh năm 1921 người xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Năm 1945 Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Mấy năm sau, được Trung ương điều ra vùng tự do làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, rồi lại quay vào chiến trường đảm đương trọng trách Bí thư Phân khu ủy, Chính ủy Mặt trận Bình Trị Thiên. Ông tham gia Quốc hội từ khóa I đến khóa VII, lần lượt làm Bộ trưởng mấy bộ.

Hiếu, tức Lê Thế Hiếu xuất thân nhà giáo. Ông sinh năm 1894, là người cao niên hơn cả trong số ba người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tại Quảng Trị. Ông Lê Thế Hiếu người quê xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội từ những ngày đầu, và vì vậy mấy lần bị Pháp bắt tống vào tù. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Ông hy sinh năm 1947 tại chiến trường Triệu Phong.

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I tại các đơn vị bầu cử trong tỉnh Quảng Trị ngày 6/1/1946 đều diễn ra tốt đẹp. Đông đảo các cử tri, nam cũng như nữ, dù đọc thông viết thạo tiếng Việt hay vẫn còn “mù” từ 18 tuổi trở lên nô nức xếp hàng trước mấy cái bàn mới đặt tại nơi sẽ bỏ phiếu bầu. Sau mỗi bàn có ba cán bộ ngồi từ sáng sớm. Cử tri chìa tấm thẻ cử tri, anh cán bộ cầm xem, đánh dấu vào sổ Danh sách cử tri, rồi ngước mắt hỏi nhỏ: “Bác định bầu cho ba vị nào?” Nghe cử tri đáp, anh ghi tên mấy vị vào lá phiếu bầu, giơ cao cho hai người bên cạnh cùng xem và xác nhận, trước khi trả lại để cử tri cầm lá phiếu đến hòm phiếu tự tay bỏ vào hòm. Vậy là 75 năm trước, công dân Việt Nam ở bất kỳ đâu, dù nhiều người còn mù chữ vẫn đều biết “chọn mặt gửi vàng” như dự kiến của Bác Hồ.

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị còn tạo ra “cơ hội vàng” cho những người dân tộc thiểu số Pa Kô và Vân Kiều sống dọc dãy Trường Sơn. Từ thuở xa xưa đến trước ngày bầu Quốc hội khóa I, bà con người Pa Kô và người Vân Kiều chỉ dùng mỗi một cái tên cha mẹ đặt cho khi họ vừa cất tiếng chào đời, không ai có họ tộc. Nay tất cả bà con đều hồ hởi đồng lòng, xin Nhà nước cho phép bất cứ ai trong hai bộ tộc ấy cũng được dùng họ Hồ, họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, làm họ gia đình mình. Được Chính phủ chấp thuận, trên thẻ cử tri của mỗi người đều ghi đầy đủ họ và tên giống thẻ của mọi công dân ở bất cứ nơi nào trong cả nước. Đấy là một sự kiện cực kỳ trọng đại trong cuộc sống từ thuở xa xưa đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công của những người quen sống với rừng núi thiên nhiên, chỉ dùng mỗi một cái tên gọi, không cần có họ.

Phan Quang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=155858