Chọn ngành nghề vì thần tượng, rủi ro cao!

Thằng cháu tôi cứ nằng nặc đòi theo học truyền thông vì muốn được giống như anh Lê Hồng Quang – Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tại châu Âu. Điều này hết sức bình thường trong cuộc sống và không chỉ có cháu tôi mà rất nhiều bạn trẻ khác đang chọn ngành học tương tự như vậy.

Tác giả bài viết chụp ảnh cùng NSND Lan Hương và NSND Trọng Trinh bên lề sự kiện chương trình "Sống tích cực" do báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức năm 2019.

Tác giả bài viết chụp ảnh cùng NSND Lan Hương và NSND Trọng Trinh bên lề sự kiện chương trình "Sống tích cực" do báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức năm 2019.

Ngày xưa, tôi thích trở thành cảnh sát hình sự hai tay hai súng, võ nghệ cao cường để bảo vệ cuộc sống của người dân. Sở dĩ tôi thích làm cảnh sát hình sự vì đọc quá nhiều sách về đề tài này. Có một cuốn sách ám ảnh tôi rất lâu thời học sinh là “Những người săn bắt cướp” của tác giả Nguyễn Như Phong, sau đó được chuyển thể thành phim “Săn bắt cướp (SBC)” và tôi cũng thần tượng diễn viên chính là anh Trọng Trinh (*) (vai trung úy Năm Hà). Tôi đã luyện 3 môn Toán, Văn, Sử thật tốt trong 3 năm học THPT với mong ước thi đỗ vào trường C500 (Bây giờ là Học viện An ninh Nhân dân). Nhưng tôi đã không bao giờ đạt được ước mơ của mình vì muốn thi vào C500 thì phải qua vòng sơ tuyển, lúc đó tôi chỉ nặng có 42 cân nên bị loại ngay từ đầu.

Bây giờ nghĩ lại nếu hồi đó tôi qua được vòng sơ loại và thi đỗ vào C500 thì không hiểu một chiến sĩ công an tôi bây giờ sẽ như thế nào? Tôi đã chọn ngành học chỉ vì một lý do duy nhất YÊU THÍCH mà không tính đến hai yêu tố rất quan trọng khác nữa là: SỞ TRƯỜNG và NHU CẦU XÃ HỘI.

Mình chọn ngành học chỉ vì mỗi YÊU THÍCH thôi thì sẽ rất vất vả vì yêu thích mà không có khả năng (không hợp SỞ TRƯỜNG) thì không bao giờ học và làm việc xuất sắc được. Ấy là chưa tính đến một thực tế phũ phàng là những gì mình nhìn thấy trên trang sách, trên màn ảnh rộng, trên màn hình ti vi, màn hình smartphone ... là chưa đủ để kết luận chính xác về bất cứ một thứ gì đó.

Ngược lại, nếu chọn ngành học chỉ vì SỞ TRƯỜNG (môn mình học, việc mình làm giỏi nhất) thôi, không đam mê, thì không bao giờ cảm thấy hạnh phúc, cũng khó để đạt đến đỉnh cao nhất trong học tập. Nhiều bạn trẻ cũng đang chọn ngành học theo tiêu chí này, ví dụ chọn thi vào trường Đại học Bách Khoa vì giỏi các môn tự nhiên; chọn thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn vì giỏi các môn xã hội... Hoàn toàn không sai, nhưng chưa đủ.

Chọn được ngành học YÊU THÍCH và đúng SỞ TRƯỜNG rồi thì vẫn còn phải cần một yếu tố nữa là xã hội có nhu cầu cao về ngành mình theo học không. Thật khó đoán ngành nghề nào xã hội sẽ cần trong 5 năm tới, nhưng có một điều chắc chắn là nếu chọn một ngành mà từ bây giờ mình đã biết xã hội chẳng có nhu cầu thì dù có YÊU THÍCH và đúng SỞ TRƯỜNG, tốt nghiệp ra trường vẫn có nguy cơ thất nghiệp cao, hoặc nếu được đi làm đúng chuyên ngành đào tạo thì cũng chỉ được hưởng mức lương ba cọc ba đồng.

Trên thực tế có nhiều trường hợp chỉ quan tâm đến hai tiêu chí YÊU THÍCH và SỞ TRƯỜNG thôi, nhưng cuối cùng vẫn chọn được ngành học mỹ mãn vì ăn may là ngành học đó đang được xã hội yêu cầu nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, nhiều ngành nghề mới xuất hiện và nhiều ngành nghề cũ mất đi nhanh chóng, thì không thể hy vọng vào ăn may.

Nguyễn Tuấn Anh

(*) Bây giờ tuy không làm cảnh sát hình sự nhưng tôi vẫn may mắn được cùng anh Trọng Trinh (vào vai trung úy Nam Hà trong phim SBC) tham gia nhiều hoạt động cộng đồng do tòa soạn báo chúng tôi tổ chức. Tôi nghĩ mình thật may mắn.

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chon-nganh-nghe-vi-than-tuong-rui-ro-cao-post1323365.tpo