Chọn nghề cho ai?

Chị bạn bứt đầu gãi tai nhiều ngày, hỏi đủ người, từ đồng nghiệp đến những mối quan hệ thân sơ về biện pháp xử lý tình huống, nhưng gần như ai cũng lắc đầu. Người hiểu chuyện thì động viên, người ác ý thì dè bĩu.

Đấy, nói rồi có nghe đâu mà! Cứ tưởng mình thánh tướng lắm, cái gì cũng thò tay vào. Bà ấy tưởng mình là cái rốn của vũ trụ, muốn làm gì cũng được hay sao?

Nghe chuyện có phần thương chị, nhưng cũng phải thừa nhận chị chẳng oan ức gì. Những câu chuyện chị can thiệp ở cơ quan có phần hơi sâu khiến nhiều người phật ý, nhưng chị hoàn toàn không có ý xấu. Chị chỉ muốn việc gì cũng phải tròn vo theo cách nghĩ của chị. Ngay cả chuyện chọn nghề cho con, chị cũng thế.

Hai năm trước con chị vào đại học. Khi mà cháu rất thích ngành học thiết kế đồ họa thì chị lại ép cháu đi học nông nghiệp. Chị lý giải rằng, học đồ họa sau ra trường vẽ vời, thiết kế bậy bạ giống mấy nghệ sĩ tự do, rồi lông bông. Trong khi nông nghiệp là ngành căn bản, khắp nước có nông nghiệp, có thất nghiệp bao giờ. Mà cậu ruột của cháu đang công tác trong ngành nông nghiệp, ra trường thế nào chả xin được việc cho nó ở Hà Nội.

Chị tính như thế là chắc rồi. Nhưng chị đang nghĩ cho chị nhiều hơn.

Sau nhiều lần đấu tranh với con, vừa ngọt nhạt dụ dỗ, vừa căng thẳng gây áp lực, con chị cũng đồng ý nộp hồ sơ vào Học viện Nông nghiệp.

Làm thế vì nó là đứa trẻ biết nghĩ, chứ trong lòng đâu có thích. Giữa thiết kế đồ họa và trồng trọt khác hẳn nhau về hướng tiếp cận và tương lai công việc... Sự “biết nghĩ” của một người trẻ chưa đủ để con chị kiên trì theo đuổi ngành học miễn cưỡng. Nó sa sút dần, nợ môn và muốn bỏ học.

Thời điểm ấy người cậu ruột cũng chuyển công tác một cách miễn cưỡng. Phao cứu sinh không còn, con mất phương hướng, mẹ cũng mất chỗ để bấu víu. Thời gian sau đó con chị liên tục đòi thi lại vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Một cuộc đấu tranh diễn ra mạnh mẽ trong tâm trí chị, giữa việc chiều con hay tiếp tục cho mọi người thấy quyết định trước đó của chị là đúng. Và chị cũng tiếc chi phí mấy năm học của con chả lẽ mất không. Chị như đứng ở ngã ba đường.

Những người mẹ như thế có nhiều. Chúng ta dễ dàng tiếp cận được những người mẹ ấy trên nhiều diễn đàn hay blog tâm sự trên mạng xã hội. Họ tham gia những diễn đàn vì muốn có những lời khuyên. Nếu không vì sự áp đặt của họ, thì đâu phải thế. Tư duy có người quen làm trong ngành này, ngành kia và rồi bị chi phối để định hướng cho con là căn bệnh phổ biến ở nhiều phụ huynh. Cũng có những phụ huynh thấy người này, người kia ở ngành nào đó kiếm được nhiều tiền và mặc định rằng đó là ngành “dễ sống”, rồi bị chi phối.

Ở ngành nào cũng có người năng động, người không và đơn vị nào cũng có những vị trí có mối quan hệ để tăng thu nhập, vị trí lại không, nên kiếm được tiền hay không phải hội đủ nhiều yếu tố. Vì tư duy theo kiểu truyền thống rằng học ngành dễ xin việc, ngành dễ kiếm tiền hay chọn ngành học do có người quen đang công tác trong ngành để nhàn thân sau này, mà rất nhiều bố mẹ đã quyết định thay con trong việc chọn bước đường tương lai. Điều đó đã gây ra không ít bi kịch gia đình, nhiều đứa trẻ lở dở tương lai. Một kỳ tuyển sinh đại học nữa đã bắt đầu. Chọn ngành học nào trước tiên phải là quyền của con, để chúng chịu trách nhiệm trước tương lai của mình, chứ phụ huynh không nên áp đặt tương lai của con bằng những thứ suy nghĩ theo kiểu bố mẹ đặt đâu con ở đó, bởi quan điểm “trứng sao khôn hơn vịt” được.

Câu chuyện của chị bạn chính là lời khuyên cho những phụ huynh của những đứa trẻ 2K6.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chon-nghe-cho-ai-218080.htm