Chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho đề Ngữ văn như thế nào để phù hợp?
Lựa chọn ngữ liệu là khâu quan trọng trong ra đề môn Ngữ văn.
Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH V/v hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, hướng dẫn: Đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn:
a) Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.
b) Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
c) Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
d) Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.[1]
Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đã thổi một luồng gió mới, tích cực cho môn Ngữ văn nói riêng và giáo dục nói chung.
Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi, đã nảy sinh vấn đề: ngữ liệu giáo viên sử dụng chưa phù hợp, đã có nhiều ý kiến trái chiều về một số đề kiểm tra ở các địa phương trong thời gian qua.
Chọn ngữ liệu ra đề Ngữ văn như thế nào cho phù hợp? Để trả lời câu hỏi này, người viết đã trao đổi với Thạc sĩ Đỗ Thị Thúy Dương, người phụ trách đội tuyển quốc gia môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thạc sĩ Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ: “Chọn ngữ liệu ra đề văn như thế nào cho phù hợp là câu hỏi của nhiều giáo viên hiện nay. Ngữ liệu cần xem xét gắn với hai phần: Đọc hiểu và Viết bài nghị luận văn học.
Quan sát, tìm hiểu hai năm qua, tôi thấy dễ dàng bắt gặp những câu hỏi, bình luận điển hình về ngữ liệu như: nguồn thiếu tin cậy; nhạy cảm, thiếu tế nhị, bôi nhọ, thiếu tính giáo dục; dài quá; khó quá, muốn biến học sinh thành nhà phê bình; lấy ngoài sách giáo khoa liệu có tránh được văn mẫu…
Tựu chung, các băn khoăn này đều có cơ sở, xuất phát từ đòi hỏi chính đáng, tập trung xoay quanh câu chuyện muôn thủa của đề thi: tính vừa sức, tính giáo dục, độ tin cậy, phát triển năng lực phẩm chất của học sinh.
Theo tôi, tình trạng này đến từ hai nguyên nhân chủ yếu. Một là xét theo qui luật phát triển, khoảng chuyển giao giữa cũ và mới bao giờ cũng xuất hiện khủng hoảng ở nhiều bề, diện đề thi chỉ là một khâu.
Chương trình tổng thể chỉ ở cấp độ bao quát, còn mỗi bài học, mỗi tiến trình dạy cụ thể đối với từng giáo viên đều đang ở giai đoạn dò dẫm tìm đường. Trong khi đó, khả năng định hình con đường khó thuộc về số đông, tất yếu dẫn tới nhiều người dạy chưa tự tin/ chưa đủ khả năng xác lập một đề thi đúng tinh thần đổi mới (mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn và tập huấn).
Hai là, lâu nay tâm lí, thói quen theo mẫu không chỉ tồn tại ở nhiều học sinh mà ăn sâu vào không ít giáo viên. Lối làm việc với một giáo án từ năm này sang năm khác, dựa dẫm nhiều vào tài liệu tham khảo đã phần nào ăn mòn ý chí sáng tạo, năng lực lựa chọn và cảm thụ văn bản của chính giáo viên.
Vậy làm thế nào để xây dựng ngữ liệu cho phù hợp? Theo tôi, xét ở góc độ vi mô (từng giáo viên) và chiều nhìn vĩ mô (tổng thể khoa học Ngữ văn ở phổ thông), cần căn cứ vào cơ sở pháp lí và thực tiễn địa phương, cơ sở giáo dục.
Để đảm bảo phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh, theo tôi ngữ liệu cần đảm bảo năm tiêu chí:
Thứ nhất, ngữ liệu lựa chọn cần vừa sức - gần gũi với trải nghiệm, tâm lí lứa tuổi, khao khát đọc, kích hoạt được hứng thú tìm hiểu của trò (ví dụ một số đề tài: quê hương, gia đình, bạn bè, tình yêu, khủng hoảng bản sắc, trí tuệ nhân tạo, tuổi trẻ, lối sống…).
Ngữ liệu lí tưởng nên ở khoảng giữa những quen thuộc và mới mẻ (quen để tạo đồng cảm, lạ để hướng trẻ tới những thứ mà ở thời điểm hiện tại – do còn sốc nổi, hùa theo trào lưu, trẻ chưa thực sự quan tâm; để nâng năng lực nhận thức, cơi nới các chiều kích tâm hồn, gợi dẫn hành trình trưởng thành về sau, góp phần điều chỉnh phong cách sống và mối quan tâm của học sinh sao cho chân chính).
Thứ hai, ngữ liệu phải bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực viết, theo tiến trình dạy học ở từng cơ sở. Tính mở của chương trình đã giải phóng cho giáo viên trong cách lựa chọn ngữ liệu, chỉ cần ngữ liệu hướng về các yêu cầu cần đạt.
Thứ ba, ngữ liệu phải đáp ứng được yêu cầu về thẩm mĩ tương ứng với đặc trưng thể loại và mang tính giáo dục.
Yêu cầu thẩm mĩ nghĩa là văn bản được chọn phải chứa những giá trị nghệ thuật đặc sắc, mới hứa hẹn khả năng khơi gợi hứng thú thẩm mĩ (chẳng hạn: thơ cần có cấu tứ độc đáo, ngôn từ cô đọng….; truyện cần chứa tình huống đặc sắc, các chi tiết đa tầng…).
Tính giáo dục không đồng nhất với việc lúc nào cũng chỉ tìm những sáng tác hiện hữu ánh sáng tính người và tình người như: Chiếc lá cuối cùng (O.Henry), Biển (Xuân Diệu), Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)… mà có thể lấy những văn bản thiếu vắng nhân vật đạo đức, thậm chí toàn con người vô luân như Tam đại con gà (truyện cười dân gian), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Chúa ruồi (Wiliam Golding)…
Bởi chỉ ra cái xấu, cái ác, cũng khiến người ta giật mình hoặc kinh sợ, cũng là một con đường đưa học sinh đi tới chân lí, giáo dục con người sống tốt, sống tử tế hơn.
Thứ tư, ngữ liệu cần ngắn gọn, mạch lạc. Một đề thi tập trung chỉ nên tối đa một mặt rưỡi tờ A4. Ngữ liệu dày đặc chữ, phủ kín 2 trang sẽ dễ tạo ấn tượng xấu ngay từ đầu, gây ra chán nản, mệt mỏi, làm học sinh mất hứng thú khi làm bài.
Vấn đề đặt ra là trích dẫn ngắn mà văn bản dài sẽ thiếu hụt, khó giúp học sinh nhìn thấy tổng thể của văn bản.
Như vậy, giáo viên ra đề nên ưu tiên những văn bản ngắn, còn nếu buộc phải ra văn bản dài, cần rèn khả năng tóm tắt, lược bớt và lựa chọn những tác phẩm trong sáng, ít phải chú giải.
Thứ năm, nguồn ngữ liệu cần rõ ràng, đáng tin cậy. Người ra đề nên tránh lấy nguồn ngữ liệu từ các trang web không chính thống, lựa chọn các trang web đã được kiểm chứng, nên sử dụng ngữ liệu từ các tài liệu đã in trên giấy, có bản quyền, uy tín.
Trước đây và hiện tại đã có nhiều giáo viên tự sáng tạo ngữ liệu (ngay cả đề thi học sinh giỏi quốc gia nhiều năm cũng không sử dụng nguồn trích dẫn) mà vẫn đảm bảo được yêu cầu cốt lõi – phát triển phẩm chất, năng lực; tuy nhiên nếu đi theo kiểu này cần hết sức thận trọng và tham vấn chuyên môn kĩ càng.
Tiêu chí không khó hình dung, nhưng có lẽ nên nhìn thẳng vào thực tế để có những giải pháp cấp bách thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ giáo viên, tạo sự cân bằng, ổn định ở cả vi mô lẫn vĩ mô”.
Về giải pháp để có ngữ liệu trong đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn cho phù hợp, Thạc sĩ Đỗ Thị Thúy Dương đề xuất:
Thứ nhất, nên xây dựng kho ngữ liệu mở theo thể loại văn bản (văn bản thông tin, thơ, truyện ngắn, kịch…) ở cả hai phạm vi – tổ chuyên môn của từng trường và nguồn dữ liệu quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong mỗi hệ thống thể loại nên rẽ nhiều nhánh (giai đoạn, nền văn học, đề tài…). Tư duy rẽ nhánh càng linh hoạt, chi tiết càng thuận lợi cho việc thiết lập các câu hỏi theo ngữ liệu.
Điều này nên xuất khởi từ những người có chuyên môn vững, sau đó bồi dưỡng dần cho các giáo viên khác. Tất nhiên, các ngữ liệu đưa lên cần có sự thẩm duyệt kĩ lưỡng để bất cứ lúc nào cũng có thể chọn ngẫu nhiên đưa vào đề thi.
Thứ hai, thiết lập một số phương án đề thi cho giáo viên tham khảo. Với quán tính giáo dục của nước ta, đề thi của Bộ sẽ trở thành định hướng quan trọng nhất, định hình cách lựa chọn ngữ liệu từ lớp 6 tới lớp 12.
Theo tôi, bởi bản chất của chương trình và tinh thần của giáo dục mới, có thể cân nhắc nhiều đề minh họa khác nhau. Từ đây, các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ để tạo xây kho đề tham khảo không ngừng đầy lên qua thời gian.
Thứ ba, lựa chọn ngữ liệu chỉ phù hợp khi có sự chỉ đạo nhất quán về đáp án. Đáp án chỉ nên thiết lập những qui chuẩn cơ bản, chú trọng đánh giá năng lực đọc hiểu theo thể loại và năng lực viết cùng phẩm chất tương thích chứ không nên áp đặt”.
Thực tế, giáo viên ra đề dẫu có cái nhìn biện chứng và năng lực tốt cũng khó bao quát hết được lối nghĩ, cách cảm của hàng trăm nghìn học trò nói riêng và xã hội nói chung, vì thế sử dụng ngữ liệu khó có thể thỏa mãn tất cả mọi người.
Lựa chọn ngữ liệu là một khâu quan trọng trong đổi mới dạy học, trong ra đề môn Ngữ văn, đòi hỏi sự suy tư, vào cuộc của các cấp quản lý chuyên môn cũng như sự nỗ lực làm mới chính mình của từng giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3175-BGDDT-GDTrH-2022-doi-moi-phuong-phap-day-va-kiem-tra-mon-Ngu-van-522950.aspx