'Chọn nhầm' tổ hợp môn học, học sinh có cơ hội 'sửa sai'
Đến thời điểm này, kết thúc học kỳ I, số lượng học sinh có nhu cầu chuyển tổ hợp không nhiều nhưng không phải không có.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở lớp 10. Một trong những điểm mới, đáng chú ý nhất của cấp THPT khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là, ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được quyền chọn tổ hợp môn nhằm định hướng tương lai nghề nghiệp. Đến thời điểm này, kết thúc học kỳ I, số lượng học sinh có nhu cầu chuyển tổ hợp không nhiều nhưng không phải không có.
Chuyển tổ hợp môn học sẽ bất lợi về kiến thức
“Đến thời điểm này, sau khi kết thúc học kỳ I, Trường THPT Quang Trung chưa có học sinh lớp 10 nào đăng ký chuyển tổ hợp môn học so với đăng ký ban đầu. Về mặt kỹ thuật, học sinh muốn chuyển tổ hợp môn học hoàn toàn có thể được, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn”- đại diện Trường THPT Quang Trung thông tin.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cũng chưa ghi nhận trường hợp làm đơn xin chuyển đổi tổ hợp môn học. “Đầu năm học này, nhà trường tư vấn, hướng dẫn học sinh lớp 10 chọn tổ hợp môn học sao cho phù hợp với học lực, sở trường của cá nhân. Có lẽ vì thế, hiện tại chưa học sinh nào của nhà trường xin chuyển đổi tổ hợp môn”- lãnh đạo nhà trường cho biết.
Đại diện lãnh đạo Trường THPT Hoàng Văn Thụ thông tin, hiện tại chưa có học sinh nào xin chuyển tổ hợp môn học. “Theo quy định, học sinh hoàn toàn có quyền chuyển trường này qua trường khác hoặc chuyển tổ hợp môn học, nhưng các em sẽ gặp một số khó khăn, vì học kỳ I học tổ hợp môn này, học kỳ II học tổ hợp môn khác.
Học sinh phải tự ôn tập, củng cố kiến thức”. Trong khi đó, tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, kết thúc học kỳ I, một số học sinh làm đơn chuyển tổ hợp môn học. Lý do các em chuyển tổ hợp môn học để phục vụ cho việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.
“Trước nguyện vọng chính đáng của học sinh, chúng tôi đã giải quyết cho các em chuyển đổi tổ hợp môn học, nhưng các em cần cố gắng củng cố kiến thức, vì học kỳ I các em không học các môn học này"- lãnh đạo nhà trường lưu ý.
Còn ở Trường THPT Tây Ninh, hết học kỳ I, chưa học sinh nào xin chuyển tổ hợp môn học nhưng có học sinh chuyển từ trường khác về. Học sinh này, khi còn học ở trường cũ đã chọn môn Tin học (môn tự chọn kèm theo những môn bắt buộc) nhưng khi chuyển về trường mới, không có tổ hợp nào trùng với tổ hợp môn học ở trường cũ. Trường THPT Tây Ninh chọn môn Công nghệ thay cho Tin học.
Như vậy, học kỳ I, học sinh đó học môn Tin học nhưng học kỳ II lại học môn Công nghệ. Vấn đề đặt ra, việc tính điểm học lực (cuối năm học) cho trường hợp này và những trường hợp tương tự khác như thế nào, vì hai học kỳ học hai môn khác nhau.
Tại một trường THPT khác, kết thúc học kỳ I, có nhiều học sinh muốn chuyển tổ hợp nhưng “được nhà trường giải thích” nên học sinh không làm đơn chuyển nữa.
Không khuyến khích thay đổi môn học
Liên quan đến việc chuyển đổi tổ hợp môn học, ngày 10.1.2023, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề ở cấp trung học phổ thông. Bộ GD&ĐT lưu ý, cần giữ ổn định (lựa chọn tổ hợp môn học, cụm chuyên đề) đến hết lớp 12.
Nếu học sinh muốn chuyển môn học lựa chọn hay cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học. Hiệu trưởng sẽ xem xét, quyết định, phù hợp với khả năng tổ chức của trường.
Trường phải có giải pháp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học, cụm chuyên đề học tập mới, kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt để các em có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới.
Trên cơ sở văn bản của Bộ GD&ĐT, ngày 16.1, Sở GD&ĐT có văn bản về việc hướng dẫn “chuyển đổi tổ hợp môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT”. Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung: Thứ nhất, học sinh đã lựa chọn các môn học và cụm chuyên đề học tập từ lớp 10 sẽ giữ ổn định cho đến lớp 12.
Trường hợp đặc biệt học sinh có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì hiệu trưởng xem xét quyết định cho phù hợp. Việc thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập của học sinh chỉ thực hiện sau khi kết thúc năm học để bảo đảm các quy định về kiểm tra, đánh giá.
Thứ hai, khi học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập, hoặc khi học sinh chuyển trường mà phải thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho phù hợp với trường THPT tiếp nhận chuyển đến, học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới cùng chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Học sinh tự học bổ sung kiến thức, tham gia kiểm tra, đánh giá để đủ năng lực có thể học các môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới. Tùy tình hình thực tế, hiệu trưởng có thể có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bồi dưỡng kiến thức để học những môn lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới.
Nhà trường tổ chức kiểm tra đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học, bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Chưa lường hết phát sinh
Từ năm học 2022-2023, cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10. Học sinh phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài những môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn 3 môn khác, trong 9 môn lựa chọn. Trên lý thuyết và theo tính toán, học sinh có thể có đến gần 90 cách lựa chọn, nhưng thực tế, không trường nào có thể xây dựng hàng chục tổ hợp môn học, vì điều kiện không cho phép.
Do đó, phần lớn các trường xây dựng tổ hợp môn theo nhóm khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc xã hội, nghệ thuật (Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật), sau đó căn cứ vào số lượng, cơ cấu giáo viên để thêm một, hai môn còn lại vào tổ hợp.
Từ những thông tin vừa trình bày, có thể thấy, nếu “chọn nhầm” tổ hợp môn học, học sinh hoàn toàn có quyền thay đổi cho phù hợp với nguyện vọng, học lực, sở trường để định hướng tương lai chọn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đọc kỹ công văn của Bộ GD&ĐT sẽ thấy, Bộ không khuyến khích việc thay đổi này. Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý đang công tác trong ngành Giáo dục Tây Ninh, sau một học kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10, có những phát sinh mà trước đó, Bộ GD&ĐT chưa thể lường hết.
Việc học sinh có nguyện vọng chuyển đổi tổ hợp môn học là một ví dụ. Thực tế cũng như các văn bản chỉ đạo cho thấy, việc chuyển đổi, chọn lại tổ hợp môn học, học sinh gặp không ít khó khăn về kiến thức. Nhà trường khó có thể bố trí giáo viên chỉ để dạy lại kiến thức cả học kỳ I đối với môn học đó. Phần thiệt thòi nghiêng về học sinh, vì thay đổi tổ hợp môn học so với lựa chọn ban đầu.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện sang năm thứ 3 nhưng nhiều bất cập nảy sinh. Có những bất cập có thể giải quyết được nhưng cũng có nhiều vấn đề xem như chuyện đã rồi.