Chọn phim cách nhiệt tối màu có tốt không, cần chú ý điều gì?

Để chống lại nắng nóng mùa hè nhiều chủ xe hơi tìm đến giải pháp dán phim cách nhiệt như một cách đối phó khi họ tin rằng phim càng tối màu thì chống nóng càng hiệu quả. Quan niệm này liệu có thật sự chính xác?

Phim cách nhiệt là một trong những món phụ kiện thường được chủ xe cân nhắc ngay sau khi mua xe. Tùy theo công nghệ sản xuất, phim cách nhiệt có thể được phân loại thành phim nhuộm màu, phim kim loại, phim gốm nano (ceramic), hoặc phim lai (hybrid).

Không chỉ giúp giảm nhiệt độ bên trong khoang lái (thường giảm từ 5–10 độ C so với xe không dán phim), phim cách nhiệt còn chống tia UV – tác nhân gây hại cho da và làm bạc màu nội thất xe, đồng thời giảm chói, tăng tầm nhìn khi lái xe dưới nắng. Ngoài ra, nó còn giúp bảo vệ kính khỏi bị vỡ vụn khi va chạm và tăng tính riêng tư nhờ khả năng che chắn từ bên ngoài.

Ảnh minh họa/Ảnh: Mechanic Base

Ảnh minh họa/Ảnh: Mechanic Base

Phim càng tối màu khả năng chống nóng càng cao?

Không ít người vẫn chọn phim cách nhiệt dựa theo cảm quan khi cho rằng phim càng tối màu, khả năng chống nóng càng hiệu quả. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm khá phổ biến và có thể dẫn đến những lựa chọn thiếu hiệu quả.

Trên thực tế, hiệu quả cách nhiệt của một tấm phim không nằm ở màu sắc mà chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật như tổng năng lượng mặt trời bị phản xạ (TSER), khả năng cản tia hồng ngoại (IRR), khả năng ngăn tia UV và công nghệ vật liệu tạo nên phim.

Có những loại phim dù khá sáng màu, thậm chí gần như trong suốt, nhưng lại sở hữu hiệu suất cách nhiệt vượt trội so với các loại phim tối màu giá rẻ, chỉ vì chúng được sản xuất với công nghệ tiên tiến hơn.

Một số loại phim tối màu trôi nổi trên thị trường có TSER dưới 40%, tức là chỉ làm kính tối đi, chứ không giúp khoang xe bớt nóng. Trong khi đó, các loại phim cao cấp với TSER đạt từ 60% trở lên và IRR trong khoảng 85–95% có thể giữ không gian trong xe mát mẻ rõ rệt, dù trông vẫn khá sáng và trong mắt.

Thêm vào đó, việc sử dụng phim cách nhiệt quá tối, đặc biệt là trên kính lái, có thể gây nguy hiểm khi lái xe ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu. Tầm nhìn bị hạn chế khiến người lái dễ bỏ sót các tình huống giao thông, làm tăng nguy cơ tai nạn. Thậm chí, ở một số nước và vùng lãnh thổ, việc dán phim quá tối vượt quy chuẩn kỹ thuật còn bị xử phạt hành chính, do ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Ngoài ra, phim tối màu nhưng chất lượng thấp thường hấp thụ nhiệt mà không phản xạ ra ngoài, gây tích tụ nhiệt trong lớp kính, khiến kính dễ bị giãn nở, ảnh hưởng đến độ bền về lâu dài.

Ảnh minh họa/Ảnh: Carspa

Ảnh minh họa/Ảnh: Carspa

Cách chọn phim cách nhiệt cho xe hơi

Mức giá để sở hữu một bộ phim cách nhiệt trải dài từ 6-7 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng. Giá rẻ đồng nghĩa với khả năng cách nhiệt không cao, trong khi dòng phim cao cấp vừa có khả năng cách nhiệt lẫn tăng thêm tính riêng tư theo nhu cầu người dùng.

Khi lựa chọn phim cách nhiệt, thay vì đánh giá bằng mắt thường hay chọn theo cảm quan “phim tối sẽ mát”, người dùng nên xem kỹ các thông số kỹ thuật. Theo đó, một số thông số quan trọng nên chú ý như:

TSER (Tổng năng lượng mặt trời bị loại bỏ) biểu thị khả năng của phim cách nhiệt trong việc loại bỏ tác động từ năng lượng mặt trời, bao gồm tia UV, tia hồng ngoại, ánh sáng có thể nhìn thấy. Tỷ lệ cao, lượng nhiệt mặt trời truyền qua phim và kính càng ít, giúp khoang xe mát hơn. Các loại phim cách nhiệt hiện nay có TSER trung bình khoảng 40-60%.

Chỉ sô IRR (Tỉ lệ cản tia hồng ngoại) càng cao, hiệu quả cản tia hồng ngoại của phim cách nhiệt càng lớn, giúp khoang xe càng mát.

UVR (Tỉ lệ cản tia cực tím) đo mức độ tia UV (cả hai loại UVA và UVB) bị cản khi đi qua phim cách nhiệt. Hầu hết các loại phim cách nhiệt đều có khả năng ngăn 99% tia UV. Tia UV là tác nhân chính gây lão hóa và ung thư da.

VLT (Tỉ lệ truyền sáng): Với kính lái, nên chọn VLT từ 50% trở lên để đảm bảo tầm nhìn.

Không chỉ dừng lại ở việc chọn phim phù hợp, người sử dụng xe cũng nên cân nhắc vị trí dán phim. Với kính lái là khu vực quan trọng cần đảm bảo tầm quan sát tốt, nên ưu tiên các loại phim có độ truyền sáng cao, giảm chói nhưng không làm tối tầm nhìn. Ngược lại, các kính bên hông và kính sau có thể sử dụng phim màu sậm hơn để tăng tính riêng tư, chống nhìn từ bên ngoài mà vẫn duy trì hiệu quả cách nhiệt tốt.

Ngoài ra, nên chọn phim từ các thương hiệu uy tín, có chế độ bảo hành rõ ràng, kiểm tra được mã số phim và tránh các loại phim trôi nổi, không có nhãn mác hay chứng chỉ chất lượng.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/chon-phim-cach-nhiet-toi-mau-co-tot-khong-can-chu-y-dieu-gi-d206118.html