Để cơ khí chế tạo bứt phá cần 'đòn bẩy' chính sách




TS Phan Đăng Phong: Trong thời gian qua, ngành cơ khí Việt Nam đã phát triển với nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển thị trường.
Nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu hoàn toàn thì nay đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo. Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu đã thể hiện rõ năng lực tốt tại một số lĩnh vực như dây chuyền thiết bị toàn bộ trong một số lĩnh vực công nghiệp, khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật...
Đặc biệt, đã từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm cho một số doanh nghiệp lớn như Toyota, Thaco, Thành Công, VinFast… tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Theo một số nghiên cứu, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe). Đối với lĩnh vực đường sắt, về đầu máy, toa xe hàng, toa xe khách, nếu các đơn hàng có số lượng phù hợp, các đơn vị trong nước có thể tham gia chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%.

Đơn cử, hiện nay, NARIME đang là nhà cung cấp các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn chính, thay thế các nhà thầu nước ngoài cho các nhà máy sản xuất ô tô lớn ở trong nước.
Cụ thể, NARIME đã và đang thiết kế, chế tạo, tích hợp, lắp đặt, hướng dẫn vận hành các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn các dòng xe ô tô điện của VinFast (như các dòng xe: VFe34; VF8; VF9; VF5; VF6; VF7; VF3) - những công việc mà trước đây chỉ do các nhà thầu lớn ở nước ngoài (như Thái Lan; Nhật Bản, Đức...) thực hiện, chưa có đơn vị nào trong nước đảm nhận được.
Hay, chúng tôi cũng đã thực hiện thành công nhiều dự án tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các quy trình sản xuất trong các nhà máy công nghiệp như: Dự án “Thiết kế, cung cấp, lắp đặt và hướng dẫn vận hành hệ thống robot bốc xếp hàng tự động” cho Công ty Cổ phần Bột giặt LIX; Dự án “Hệ thống SCADA giám sát toàn bộ nhà máy sản xuất bột giặt”; Dự án “Chế tạo, cung cấp, lắp đặt hệ thống cân tự động đóng túi bột giặt Unilever”…
Thành công tại các dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư, tiết kiệm nguồn nhân lực và góp phần hiện đại hóa quá trình sản xuất của các dây chuyền hiện hữu.


TS Phan Đăng Phong: Trong thời gian qua, với các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cùng với sự cố gắng của Viện Nghiên cứu Cơ khí trong đầu tư nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ, chúng tôi đã gặt hái được một số thành công trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành cơ khí - chế tạo cho nhiều lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, bô xít, xi măng, điện mặt trời… Nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ do NARIME thực hiện đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Đơn cử, trong lĩnh vực thủy điện, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW), tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm, góp phần phát điện sớm 3 năm với thủy điện Sơn La và 1 năm với thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.

Hay, trong lĩnh vực nhiệt điện, NARIME cũng đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than, hệ thống phòng cháy chữa cháy các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi sơn 2.
Đặc biệt, dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6%, tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên trong nước thực hiện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện đã phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện Dự án khoa học công nghệ quy mô lớn: “Nghiên cứu, thiết, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất ximăng lò quay công suất 2500 tấn clinke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa” với 3 đề tài (máy đóng bao tự động, thiết bị lọc bụi công suất lớn và điều khiển tự động dây truyền thiết bị nhà máy), đã áp dụng thành công vào dự án xi măng lò quay Sông Thao, đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40% giá trị…


TS Phan Đăng Phong: Các nghiên cứu cho thấy, dư địa thị trường của ngành cơ khí rất lớn. Từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí Việt Nam khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD.
Ngành này cũng đang có nhiều cơ hội hưởng lợi từ các làn sóng chuyển dịch sản xuất, cộng thêm khả năng mở rộng thị trường, thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Điều cần nhất của doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện nay là Nhà nước tạo ra thị trường, đặc biệt là những thị trường có dung lượng lớn như ngành đường sắt đô thị, đường sắt liên vùng, các nhà máy điện khí, các dự án điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, sản xuất nguyên vật liệu…
Đơn cử, nếu có các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển hợp lý trong ngành công nghiệp đường sắt đô thị, tỷ lệ nội địa hóa trong nước có thể đạt được hơn 79% - 83%, tương đương 39,18 - 41,16 tỷ USD . Đây là một thị trường rất lớn, song các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài vẫn đang chiếm ưu thế, các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia rất hạn chế.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam lựa chọn tái khởi động kế hoạch phát triển điện hạt nhân cũng mở ra cơ hội cho ngành cơ khí chế tạo. Chính phủ, Bộ Công Thương cần xây dựng một chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị điện hạt nhân, bao gồm một chùm đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Khi thực hiện từng đề tài đó thành công, chúng ta sẽ tiến tới việc hoàn thành quá trình nội địa hóa nhà máy điện hạt nhân.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm việc chúng ta cần có các chính sách khuyến khích việc tiếp thu và làm chủ công nghệ trong các dự án đầu tiên. Với các chính sách cụ thể tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào tổ hợp EPC cho các nhà máy điện hạt nhân và đường sắt trong thời gian tới sẽ là điều kiện tốt để ngay từ đầu chúng ta có thể tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiến tới làm chủ công nghệ.
Ngoài ra, một số cơ chế ưu đãi về tài chính, đầu tư, thuế quan... rất hợp lý và tốt cho các doanh nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, khi ứng dụng thực tế thì còn nhiều vướng mắc, thậm chí chậm và có độ trễ dẫn đến các doanh nghiệp rất khó để ứng dụng. Một số chính sách còn tương đối ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận.
Mặt khác, cần đánh giá tổng kết quá trình thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, để từ đó xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của chiến lược cho phù hợp với tính hình mới, nhất là cần điều chỉnh, bổ sung các sản phẩm cơ khí trọng điểm cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển ngành cơ khí được điều chỉnh, cần thiết phải xây dựng một chương trình tổng thể của nhà nước để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và làm chủ công nghệ trong từng lĩnh vực cụ thể được ưu tiên phát triển. Các đề tài/dự án được đăng ký và phê duyệt hàng năm sẽ bám sát theo các mục tiêu đặt ra tại chương trình này.
Rõ ràng, cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thêm thị phần, vì vậy, cần thiết phải có sự nâng đỡ về chính sách của các bộ, ngành và Nhà nước trong việc tạo thị trường, liên kết thương mại hóa sản phẩm và nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp.
Việc ban hành các chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước do các đơn vị nghiên cứu Việt Nam làm chủ luôn là điều các đơn vị nghiên cứu trong nước mong đợi.
Cùng với đó, các viện nghiên cứu, các đơn vị cơ khí chuyên ngành cần xây dựng các chương trình nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ trong các lĩnh vực này.
Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nga
Đồ họa: Hồng Thịnh
Quỳnh Nga - Hồng Thịnh