Chọn sách giáo khoa dân chủ, khách quan, phù hợp
LTS: Trước thềm năm học mới, việc lựa chọn sách giáo khoa luôn là mối quan tâm của tất cả các trường học, của phụ huynh và các em học sinh. Đặc biệt, năm học 2024 - 2025 là năm cuối cùng trong lộ trình thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đối với các khối lớp cuối cấp 5, 9 và 12. Theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm nay, quyền chọn sách giáo khoa được trao cho giáo viên. Để hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa năm học này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Việc lựa chọn sách giáo khoa trong năm học này được thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Lê Tiến Quân: Bám sát Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2024 -2025. Đồng thời, triển khai đến các trường học chọn sách trên nguyên tắc sách nằm trong danh mục sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định.Việc chọn sách được thực hiện theo hướng ưu tiên tính kế thừa, liền mạch chương trình của môn học và bảo đảm công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức hội thảo theo hình thức trực tuyến với các nhà xuất bản, tác giả biên soạn để giới thiệu sách giáo khoa lớp 5, 9, 12, giúp giáo viên nắm chắc cấu trúc, nội dung các cuốn sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt để lựa chọn liền mạch với chương trình môn học mà mình phụ trách. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo trường học thông báo đến phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên về danh mục sách giáo khoa sử dụng trong năm học 2024-2025. Chỉ đạo các trường học chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, các đơn vị cung ứng đủ điều kiện để đăng ký nhu cầu sách giáo khoa, bảo đảm đáp ứng đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khai giảng năm học mới.
PV: Đến thời điểm này, việc cung ứng sách giáo khoa đã đáp ứng nhu cầu của các trường học chưa, thưa ông?
Ông Lê Tiến Quân: Qua rà soát tại các trường học, nhu cầu sách giáo khoa của học sinh trong tỉnh khoảng hơn 3 triệu bản theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, sách được chọn từ các bộ sách được phê duyệt, gồm “Kết nối tri thức và cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách “Cánh diều” do Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam liên kết biên soạn, xuất bản. Sở GD&ĐT đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà xuất bản, các đơn vị sở hữu bản quyền đảm bảo việc phát hành và cung ứng sách trước ngày 15/8. Đến nay, cơ bản các trường học đã được cung ứng sách giáo khoa cho học sinh; các trường còn lại tiếp tục phối hợp với các đơn vị được ủy quyền cung ứng sách giáo khoa theo số lượng đã đăng ký, đảm bảo có đủ sách giáo khoa trước khi khai giảng năm học mới.
Đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu sách giáo khoa, từ cuối năm học trước, ngành chỉ đạo các trường học vận động phụ huynh tặng sách giáo khoa cũ khi kết thúc năm học cho nhà trường để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần sách. Đồng thời, xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung tại các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh. Ngoài ra, còn vận động các nhà xuất bản hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, diện chính sách xã hội, giúp các em có đủ sách để phục vụ học tập.
PV: Nhiều phụ huynh học sinh băn khoăn, mỗi trường lựa chọn một loại sách khác nhau cho cùng một môn học. Như vậy, khi thi tốt nghiệp của mỗi bậc học, đề thi có thống nhất nội dung kiến thức không? Ông giải thích điều này thế nào?
Ông Lê Tiến Quân: Trước hết xin khẳng định rằng, chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương.
Đối với Chương trình GDPT 2006, thì nội dung sách giáo khoa được coi là “nguồn kiến thức”, là căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và để thi. Nên cả Chương trình GDPT chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất. Nhưng Chương trình GDPT 2018, thì nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là “học liệu” (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học. Theo nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT mới, tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 đều thực hiện theo Chương trình tổng thể, được cụ thể hóa và quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT. Nên mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa không ảnh hưởng đến việc kiểm tra, đánh giá hàng năm cũng như thi tốt nghiệp của học sinh THPT.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.