Chọn sai tổ hợp lớp 10 dễ lỡ nhịp hướng nghiệp về sau
Sau khi trúng tuyển vào lớp 10 công lập, học sinh TP Hồ Chí Minh bắt đầu lựa chọn tổ hợp 4 môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, định hướng nghề nghiệp và cơ hội xét tuyển đại học.
Trước lựa chọn bước ngoặt này, nhiều học sinh còn bối rối, phụ huynh lo lắng, trong khi các trường tăng cường tư vấn để giúp học sinh xác định đúng năng lực và hướng đi phù hợp.
Lựa chọn đầu tiên của cả một lộ trình
Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 sẽ học 8 môn bắt buộc và chọn thêm 4 môn trong số 9 môn lựa chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật (GDKTPL), Âm nhạc, Mỹ thuật). Tùy theo điều kiện giáo viên và sĩ số, các trường không để học sinh chọn từng môn riêng lẻ mà xây dựng các tổ hợp cố định, nhóm theo khối ngành Tự nhiên, Xã hội hoặc tích hợp.

Định hướng chọn chương trình học cho khối lớp 10 của trường THPT Marie Curie.
Ngay khi nhập học, học sinh đăng ký hai nguyện vọng tổ hợp môn. Việc lựa chọn này tưởng dễ mà không dễ, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập lớp 10 mà còn chi phối cả khả năng xét tuyển đại học và lộ trình nghề nghiệp.
Em Đỗ Phương, học sinh có nguyện vọng vào Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em học không giỏi Toán nên hơi lo, nhưng vẫn chọn tổ hợp D01 (Toán - Văn - Anh), thêm GDKTPL và Công nghệ để nhẹ hơn. Em đang ôn Toán từ cơ bản, vì nếu phải đổi tổ hợp sau lớp 10 thì rất vất vả, phải học lại cả môn mới”.
Không ít học sinh khác vẫn còn hoang mang khi đứng trước nhiều lựa chọn. Một bạn hỏi: “Nếu học ngành Ngôn ngữ Anh thì nên chọn tổ hợp nào?” và nhận được nhiều ý kiến tư vấn từ các anh chị đi trước. Minh Hiếu (TP Hồ Chí Minh) gợi ý: “Cứ chọn môn theo điểm mạnh của bạn. Mạnh Văn thì đi theo tổ hợp xã hội, mạnh Toán thì theo tự nhiên. Ngành Ngôn ngữ Anh thì D01 là ổn nhất, thêm vài môn nhẹ như Địa hoặc GDKTPL cho dễ theo”.

Chương trình GDPT 2018 các em có 8 môn bắt buộc và 4 môn tự chọn, chia thành các tổ hợp khác nhau tùy theo các trường.
Với nhóm ngành Y – Dược, việc chọn tổ hợp môn cần đặc biệt cẩn trọng. Khôi Nguyễn, một học sinh từng trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và chọn nhầm tổ hợp, chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn học Y thì nên chọn Hóa - Sinh là an toàn nhất. Nếu học lực môn Lý không tốt thì không nên chọn vì dễ bị điểm liệt. Năm ngoái mình chọn A01 (Toán - Lý - Anh), may mắn đề Lý dễ, chứ thật ra môn này rất khó. Nếu được chọn lại, mình sẽ ưu tiên theo thứ tự: Lý - Toán - Hóa - Sinh”.
Đồng quan điểm, bạn Hoàng Phước khuyên: “Muốn đậu ngành Y thì phải có Hóa - Sinh, nhưng muốn sống sót trong trường Y thì cũng phải có chút nền tảng Lý”.
Lắng nghe năng lực, sở thích và định hướng của bản thân
Theo quy định, học sinh được quyền đổi tổ hợp môn một lần sau khi kết thúc lớp 10. Tuy nhiên, việc đổi tổ hợp không dễ, thậm chí đầy thử thách. Nếu tổ hợp mới có môn chưa từng học, học sinh buộc phải tự học lại toàn bộ kiến thức lớp 10 và vượt qua bài kiểm tra năng lực đầu vào.

Khu vực bàn tư vấn chọn tổ hợp môn luôn đông phụ huynh học sinh với vô vàn thắc mắc trước khi đăng ký.
Cô Nguyễn Thị Quế Vân, Phó Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie thẳng thắn cảnh báo: “Chọn sai tổ hợp ngay từ đầu là rất nguy hiểm. Đổi tổ hợp không phải cứ thích là được. Nếu tổ hợp mới có môn các em chưa học thì phải học bù kiến thức, thi đầu vào đạt mới được xếp lớp".
Cô Quế Vân dẫn chứng tình huống thực tế: “Nhiều phụ huynh muốn con theo ngành Y, ép con chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên dù các em không có năng lực. Hệ quả là các em học đuối, mất tự tin, dẫn đến chán học. Trong khi đó, nếu được chọn theo năng lực thật sự, kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Các trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những hướng dẫn chi tiết về tổ hợp môn giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng định hướng và lựa chọn.
Ths Nguyễn Trần Khánh Bảo, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie nhấn mạnh vai trò của việc lắng nghe chính mình: “Đây là giai đoạn học sinh cần học cách tự lập, tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đừng chọn theo trào lưu, theo số đông hay kỳ vọng từ cha mẹ. Chọn tổ hợp môn phải dựa vào bốn yếu tố: Năng lực - sở thích - định hướng nghề nghiệp - điều kiện thực tế”.
Phụ huynh của em Bảo Linh mới đậu vào lớp 10 trường Marie Curie, bày tỏ lo lắng: “Con tôi học tiếng Nhật là Ngoại ngữ 1, muốn chọn nhóm 3 là tổ hợp Khoa học tự nhiên nhưng sợ lớp ngoại ngữ Nhật ít bạn, không đủ điều kiện tổ chức các đúng tổ hợp không. Tôi đang lo con phải học tổ hợp theo số đông mà không đúng sở trường”.

Các trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những hướng dẫn chi tiết về tổ hợp môn giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng định hướng và lựa chọn.
Trước những lo lắng của phụ huynh và học sinh, các trường đã chủ động tổ chức tư vấn tuyển sinh ngay khi nhập học, giải thích rõ lộ trình học, cách xây dựng tổ hợp, cơ hội xét tuyển đại học và cả quyền thay đổi tổ hợp sau lớp 10. Nhiều trường còn tổ chức tư vấn theo từng nhóm nhỏ hoặc từng học sinh.
Thầy Bảo chia sẻ thêm: “Chúng tôi định hướng xây dựng trường học hạnh phúc, hiện đại và đổi mới. Ở đó, các em được lắng nghe, được hỗ trợ và đưa ra lựa chọn đúng đắn. Tôi tin thế hệ học sinh hôm nay, nếu được định hướng tốt, sẽ biết chọn con đường phù hợp cho chính mình".
Bên cạnh các môn học trong tổ hợp, Tin học và Ngoại ngữ dù không phải môn tốt nghiệp vẫn được xem là những kỹ năng bản lề. Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng trong thời đại số, không biết công nghệ và ngoại ngữ là rất khó phát triển nghề nghiệp nên học sinh lớp 10 cần đầu tư nghiêm túc hai môn này ngay từ những ngày đầu.