Chọn tân Tổng giám đốc UNESCO: Gay cấn đua nước rút
Các ứng cử viên cạnh tranh vị trí Tổng giám đốc kế tiếp của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc) được trông đợi phải có biện pháp giải quyết vấn đề khó khăn tài chính trong bối cảnh Mỹ và Israel tuyên bố rút ra và không đóng góp tiền cho tổ chức này vì các vấn đề chính trị.
Tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới rất phức tạp, các vấn đề toàn cầu, khủng bố, thách thức an ninh phi truyền thống tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường.Trong quá trình thực hiện sứ mệnh của mình, UNESCO không chỉ đứng trước các khó khăn khách quan mà còn phải giải quyết những vấn đề nội tại như sự cắt giảm về nhân lực do eo hẹp về tài chính trong khi vẫn phải đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, ưu tiên theo nhiệm vụ của một tổ chức chuyên môn trong hệ thống Liên Hợp Quốc (LHQ).
Xu thế đưa các vấn đề chính trị nhạy cảm vào chương trình nghị sự của UNESCO ngày càng rõ hơn. Một số vấn đề như khủng bố, tình hình bán đảo Crimea, quan hệ Israel và Palestine, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo tiếp tục chi phối chương trình nghị sự của tổ chức.
Ngày 12/10, Mỹ tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi UNESCO. Trong khi đang là nước đóng góp 1/5 ngân sách (80 triệu USD/năm) cho UNESCO, Mỹ rút ra sẽ là cú đánh mạnh vào tổ chức có trụ sở tại Paris được lập ra sau Thế chiến 2 để giúp bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên khắp thế giới.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố rút nước này ra khỏi UNESCO. Những năm gần đây, Israel nhiều lần phàn nàn về điều mà họ cho rằng UNESCO đang chọn phe trong những tranh chấp di tích văn hóa ở Jerusalem và trên lãnh thổ Palestine. Việc UNESCO quyết định đề cử thành phố Hebron ở Bờ Tây là di sản thế giới của Palestine khiến Israel nổi giận.
Dù Washington khẳng định ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập nhưng họ nói rằng điều này phải là kết quả của những cuộc đàm phán hòa bình và cho rằng những tổ chức quốc tế như UNESCO không giúp gì khi thừa nhận Palestine trước lúc hoàn tất đàm phán.Mỹ và Israel nằm trong nhóm 14 quốc gia trong tổng số 194 thành viên phản đối UNESCO kết nạp Palestine.
Nhiệm kỳ của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO hiện tại, đang gặp nhiều khó khăn vì vấn đề ngân sách. Vì thế không ít nước đang chờ đợi một ứng viên từ một nước có nguồn tài chính dồi dào cũng như có khả năng kết nối, huy động, kêu gọi nguồn vốn nhằm giải quyết khó khăn tài chính của UNESCO.
Những ứng viên từ các nước mạnh như Trung Quốc, Pháp và Qatar có thế mạnh về tài chính nên đã biết sử dụng ưu thế này, như hứa sẽ ứng trước các khoản đóng góp cho tổ chức. Ứng viên Trung Quốc Đường Kiền cũng có ưu thế về nguồn tài chính dồi dào nhưng Trung Quốc đã có nhiều đại diện tại các tổ chức thuộc LHQ, trong khi khu vực Trung Đông phàn nàn rằng chưa bao giờ có đại diện của khu vực họ trở thành lãnh đạo UNESCO nên bây giờ phải đến lượt họ.
Ứng viên Qatar, ông Hamad bin Al-Kawari, là cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Qatar. Trong quá trình tranh cử, ông thể hiện là một chính trị gia bản lĩnh và là nhà ngoại giao dày dạn trong kinh nghiệm quốc tế. Ông đã chứng tỏ khá tốt khả năng kết nối với các tổ chức khác nhau, đặc biệt là giới doanh nghiệp, đưa ra được sáng kiến cụ thể trước những khó khăn về ngân sách của UNESCO.
Ứng viên Pháp, bà Audrey Azoulay, là cựu Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông Pháp. Bà có lợi thế là chính trị gia của nước chủ nhà, có tầm nhìn, có khả năng kết nối với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong bối cảnh UNESCO khó khăn tài chính. Pháp đã 2 lần giữ chức Tổng giám đốc UNESCO.
Rút là bình thường
Sau vòng bỏ phiếu thứ hai vừa diễn ra, ứng viên Việt Nam Phạm Sanh Châu xin rút sau khi nhận được 5 phiếu bầu, bằng số phiếu của ứng viên Trung Quốc. Hôm qua, ứng viên Đường Kiền của Trung Quốc cũng xin rút. Trước đó, các ứng viên Vera El Khoury của Li-băng, ứng viên Saleh Mahdi Al-Hasnawi của Iraq và ứng viên Polad Bulbuloglu của Azerbaijan cũng tuyên bố rút khỏi cuộc đua này.
Lịch sử bầu Tổng giám đốc UNESCO cho thấy đây là vị trí có tính cạnh tranh cao, luôn có nhiều quốc gia giới thiệu ứng viên là công dân nước mình. Trong quá trình vận động, họ có thể tính toán lợi ích và có thể rút ứng cử viên vào thời điểm phù hợp. Trong các cuộc cạnh tranh nhiệm kỳ 1999-2008, 2009-2013 và 2017-2023 đã có một số ứng viên xin rút. Đây là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam quyết định chính thức giới thiệu Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về vấn đề UNESCO, ứng cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO dựa trên thiện chí và năng lực của Đại sứ Phạm Sanh Châu, người có quá trình gắn bó nhiều năm với sự nghiệp UNESCO và mong muốn của Việt Nam đóng góp cho UNESCO, tổ chức được nhìn nhận là đại diện cho lương tri và trí tuệ của nhân loại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí người đứng đầu một tổ chức trong hệ thống LHQ và phải cạnh tranh trực tiếp.
TTXVN dẫn lời Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova (khi gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp 202 của Hội đồng chấp hành UNESCO vừa qua) đánh giá cao chiến dịch tranh cử của Việt Nam, góp phần làm cho tên Việt Nam được nhắc đến nhiều và thường xuyên tại UNESCO trong suốt thời gian qua. Bà Bokova cũng đánh giá cao năng lực, quyết tâm của ứng viên Phạm Sanh Châu. Nguyên cố vấn cấp cao về chính sách của UNESCO Hans D’Orville lấy làm tiếc cho ứng viên Việt Nam nhưng cho rằng, Việt Nam đã đưa ra quyết định đúng đắn và đúng lúc.
Theo quy chế, Hội đồng chấp hành UNESCO gồm 58 nước bầu bằng phiếu kín chọn ứng viên duy nhất đạt được đa số quá bán (30/58) để giới thiệu lên Đại hội đồng UNESCO chính thức thông qua tại kỳ họp vào tháng 11 tới. Tổng giám đốc có nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử lần hai.