Chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều thách thức

Thời điểm cuối năm, cùng với những thách thức chung của nền kinh tế, nhiều DN sản xuất trong nước cũng đang phải đối mặt với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi phức tạp.

Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đều là hàng hóa có giá trị cao được thực hiện nhằm mục đích trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, doanh thu của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư trong nước.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ xử lý hơn 146.000 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với năm 2022), gần 130.000 vụ việc vi phạm gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51%), hơn 5.400 vụ việc sản xuất, mua bán hàng giả (tăng 48%). Đồng thời, các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 616 vụ việc (tăng 4,05% so với năm 2022), với 724 đối tượng... Những con số trên cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.

Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành khám đồ vật, hàng hóa nhập lậu

Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành khám đồ vật, hàng hóa nhập lậu

Thông tin về các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vi phạm pháp luật, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng các chính sách ưu đãi, thông thoáng của Chính phủ để đưa hàng lậu đi sâu, len lỏi vào thị trường trong nước với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

“Hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu là thủ đoạn được các đối tượng luôn lợi dụng. Ví dụ như khai hàng môt đằng, đưa hàng một nẻo trên tờ khai hệ thống, chuyển tuyến đường, thay đổi nơi giao nhận hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm… Qua máy soi lực lược phát hiện rất nhiều trường hợp và xử lý rất nghiêm, nhưng tình trạng sai phạm không ngừng gia tăng”, ông Hoàn cho biết.

Trước thực trạng này, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, thời gian tới các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về các chuyên đề, kế hoạch chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả.

Trước mắt sẽ tăng cường công tác kiểm tra, mở các đợt cao điểm dịp Tết Giáp Thìn. Cùng với đó, tăng cường chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển, hàng không và các địa bàn nội địa. Đồng thời đẩy mạnh tác tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về tác hại, sự ảnh hưởng của buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng giả…

Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành thường xuyên liên tục, kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng liên tỉnh liên tuyến. Phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến biên giới đường biển, đường bộ có cửa khẩu đường hàng không.

Đặc biệt, người tiêu dùng cả nước cũng như DN trong nước cần nói không với hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu để giảm tối đa nhu cầu mua sắm, giảm nguồn cung. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-van-con-nhieu-thach-thuc-post1074609.vov