Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực
Sáng 23-12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn với chủ đề 'Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển'. Đây là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về thực trạng lãng phí trong đầu tư, sản xuất và quản lý Nhà nước, cũng như tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây lãng phí
Tại diễn đàn, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), cho biết thực trạng lãng phí diễn ra trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Từ kết quả điều tra thực tiễn, ông Sơn chỉ ra những hạn chế trong quản lý nguồn vốn đầu tư công. Nổi bật là tình trạng lập dự án không cấp thiết, dẫn đến các công trình hoàn thành nhưng không được sử dụng hiệu quả, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Ông cũng đề cập đến những dự án kéo dài thời gian do bố trí vốn không hợp lý, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực hoặc cố ý tính toán sai hiệu quả đầu tư. Ông nói: “Một số dự án phải dừng thi công nhiều năm, dẫn đến lãng phí nghiêm trọng tài sản Nhà nước”.
Nhắc đến tình trạng đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, chế biến sâu không phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành, gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, ông Sơn nhấn mạnh: “Dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường đã trở thành gánh nặng lớn đối với nguồn lực quốc gia”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ban Nội chính Trung ương), lại chỉ ra một khía cạnh khác của lãng phí – tài sản vô hình. Ông dẫn chứng như lãng phí cơ hội phát triển, thời gian, tài nguyên xã hội do hệ thống hành chính rườm rà, năng suất lao động thấp, tình trạng né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ.
Đề xuất giải pháp, TS Nguyễn Xuân Trường cho rằng: “Cần xử lý tổ chức, cá nhân gây lãng phí, thiệt hại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân”. Công tác này cần tiến hành không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai.
Chống lãng phí triệt để trong ngành công thương
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, tình trạng lãng phí không chỉ gây thiệt hại lớn về nguồn lực tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ông nêu rõ: “Lãng phí đang trở thành rào cản vô hình, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm hiệu quả sản xuất và bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng của đất nước”.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh vai trò của ngành công thương trong việc đi đầu thực hiện các biện pháp chống lãng phí, với mục tiêu tạo nguồn lực khơi thông cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Bộ Công thương đã triển khai mạnh mẽ chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 với những chỉ tiêu rõ ràng, trong đó bao gồm quản lý chặt chẽ và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ trưởng chia sẻ, Bộ Công thương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2024, như tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân và giải quyết các điểm nghẽn trong các dự án năng lượng tái tạo, mở ra cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư lớn cho ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng là một bước đi quan trọng, để đổi mới cách vận hành hệ thống và thị trường điện, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý.
Bên cạnh đó, ngành công thương đã tạo ra sự đột phá trong hội nhập kinh tế quốc tế, tiêu biểu là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) chỉ trong 16 tháng đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu đến khu vực Trung Đông và châu Phi.
“Đây không chỉ là thành tựu của ngành mà còn là dấu ấn trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam”, Thứ trưởng khẳng định.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, với kỳ tích đạt kỷ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu gần 800 tỷ USD trong năm 2024, đưa Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (giá trị đạt hơn 23 tỷ USD), là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng chảy thương mại và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để tiếp tục thực hiện các giải pháp chống lãng phí, hiện nay, Bộ Công thương đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, cắt giảm gần 18% đầu mối các đơn vị trực thuộc, đi đôi với tái cơ cấu mạnh mẽ từ bên trong.
Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: “Việc tinh giản tổ chức không chỉ để tiết kiệm chi phí mà còn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển đột phá”.
Dẫu vậy, ông cũng thừa nhận, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều thách thức phía trước, cần sự tham gia tích cực từ các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, toàn xã hội trong việc phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng văn hóa tiết kiệm, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi gây lãng phí, thiệt hại nguồn lực quốc gia.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chong-lang-phi-khoi-thong-nguon-luc-post774435.html