Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực từ các dự án tồn đọng
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 31/3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, tạo đà tăng trưởng đạt 2 con số giai đoạn 2026 - 2030, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng với những nội dung rất cụ thể để các bộ, ngành, các địa phương, cơ quan thực hiện.
Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước hơn 64.000 tỷ đồng
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này đã tạo nền tảng, khí thế mới, động lực mạnh mẽ để đất nước ta bước vào năm 2025 với niềm tin hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, thu ngân sách năm 2024 tăng 20,1% so với dự toán và báo cáo Quốc hội. Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 86,4% dự toán. Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm. Đáng chú ý, trong quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để hoàn thành các dự án đưa vào sử dụng. Tính đến hết ngày 31/12/2024, tổng vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch được giao.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41ha đất.
Chống thất thoát, lãng phí tài sản công khi sáp nhập
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng một số bộ ngành, địa phương vẫn gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo, còn 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước đạt giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng gây nên sự lãng phí nguồn lực quốc gia, làm cho một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, an sinh xã hội phải chịu thiệt thòi vì “có tiền mà không tiêu được”.
Để tránh tình trạng lãng phí này, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, pháp luật về đầu tư công. Theo đó, rà soát, sửa đổi quy định liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công để giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục như đấu thầu, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án; phát huy vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan về kết quả giải ngân...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị đối với khâu phê duyệt các đề án, dự án, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương chuẩn bị thật kỹ công tác dự toán, chuẩn bị dự án, tránh những vướng mắc dẫn đến việc chậm giải ngân.
Nêu ví dụ hai dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức tại tỉnh Hà Nam chưa thể đưa vào sử dụng cũng là lãng phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần rà soát lại tất cả các dự án đã có, đang dở dang, chậm triển khai hoặc có vướng mắc để tháo gỡ, sớm đưa vào sử dụng. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực; rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả ở các địa phương để có giải pháp sử dụng có hiệu quả hơn, chỗ nào sử dụng không có hiệu quả thì cho đấu giá, đấu thầu lấy tiền để làm trường học, bệnh viện, công trình công cộng… Đặc biệt, trong bối cảnh đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính Nhà nước, cần phải quản lý tài chính, tài sản để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong lúc sáp nhập, chuyển đổi, đưa vào sử dụng hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, nguồn lực có thể khai thác từ các dự án tồn đọng là rất lớn và rất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Vấn đề không chỉ là tài sản tồn đọng ở các dự án mà là nếu các dự án được các doanh nghiệp đưa vào vận hành thì sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ các dự án nói chung, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cụ thể. Về thể chế, ngay trong Kỳ họp thứ 9 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa đổi một loạt các luật như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công…
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 với 10 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp nhằm mục tiêu thực hiện kiên quyết, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hữu hiệu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, tăng tốc, bứt phá về đích, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.